Sắc mây ngày cũ...
Tôi sinh nơi vùng quê, lớn lên nơi vùng quê, chạm tay vào ký ức đâu cũng gặp toàn mây tre nứa lá. Thứ mọc ở đồng, thứ sinh miệt núi; ấy vậy mà vẫn chung lưng đấu cật (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) cùng nhau phục vụ người quê, giữ gìn, tạo dựng hồn quê.
Rào dậu liếp phên, nong nia thúng mủng…, thậm chí đến bàn ghế chõng giường một thời cũng làm từ mây tre nứa. Trong ký ức tuổi thơ tôi, nứa tre dễ biết bởi vườn nhà không thiếu, riêng cái dây mây thì lạ lẫm. Đồng bằng dây mây không mọc được. Mẹ bảo: muốn “bứt mây” phải lên rừng…
Lần đầu tôi chính thức biết tới sợi dây mây là khi đã qua cái thời “đồng ấu”, mẹ cho theo lên rừng tập bứt mây hái củi. Ngày ấy rừng còn xanh lắm, không trống hơ trống hoác như bây giờ. Dẫn tôi tới một bụi cây rậm rì thân ngửa thân nghiêng lởm chởm gai góc, mẹ chỉ: mây đấy! Tôi trố mắt nhìn bụi cây tưởng chừng như không chút liên quan tới thứ dây mây thành phẩm óng sắc vàng nâu, suôn bóng trên những món đồ gia dụng thường ngày. Gọi là bụi gai mới đúng bởi những “dây” mây nằm nghiêng nằm ngửa, có bụi nằm xoài luôn xuống đất, thân nào thân nấy lởm chởm gai. Gai mây dài cứng nhọn, khẽ đụng vào là rách da tuôn máu ngay, rất khiếp!.
Minh họa: Trà My |
Mẹ khéo léo dùng rựa bén luồn cắt gốc từng cây mây một. Những bụi mây nằm xoài được mẹ ưu tiên chọn trước, mẹ bảo đó là mây già, sợi sẽ bền, dẻo hơn mây non. Cắt gốc xong mẹ dùng rựa khéo léo đè phần tiếp giáp giữa lưỡi và cán lên ngang sợi mây. Chân đạp giữ rựa, tay mẹ cầm gốc cây mây rút mạnh! Kỳ diệu chưa, mẹ rút tới đâu, phần vỏ/gai của cây mây bị giữ ngang thân rựa tới đó. Giờ thì trên tay mẹ mới đúng là sợi dây mây sắc vàng nâu suôn óng; cái sắc mây tôi vẫn thường nhìn thấy trên từng món đồ gia dụng thường ngày…
Dây mây bứt về được mẹ chẻ, vót, hơ lửa để dành “gia cố” những cái vành thúng mủng rổ rá nong nia xài lâu ngày xuống cấp có nguy cơ bị bung. Còn nữa, cột tao (thanh) gióng, bó cán chổi, cả những thanh gióng chuồng bò, chuồng heo sút dây lỏng lẻo mẹ cũng dùng dây mây buộc kỳ cứng cáp mới chịu thôi. Cha thấy mẹ suốt ngày loay hoay với những việc làm (đáng ra thuộc phần cha) chỉ biết chép miệng lắc đầu: “lẽ ra bà phải… làm chồng tui mới đúng!”. Mẹ cười xòa…
Có lẽ ám ảnh “tiêu cực” nhất trong ký ức tuổi thơ tôi liên quan tới sắc mây ngày cũ chính là những… chiếc roi mây. Ở trường thầy giáo có roi mây. Về nhà, mẹ cũng có một chiếc roi mây giắt trên mái bếp. Răn đe là chính, nhưng mỗi lần phạm lỗi nghe tiếng rút soạt roi mây là đủ sợ hết hồn! Ghét cây roi mây nhưng cũng phải công nhận rằng: với riêng tôi, nó cực kỳ tác dụng. Nhớ ngày nhỏ tôi không tối dạ nhưng lười học. Mẹ biết thóp, thế là ngoài cây roi “vũ trang” ở nhà mẹ còn mang tặng thầy giáo thêm cây roi mây dài chuốt bóng, lại cố tình dặn to để tôi nghe tiếng: “Nó mà lười học thầy cứ việc quất!”. Kết quả những năm tiểu học tôi thành học sinh khá giỏi nhờ ham học thì ít mà nhờ… sợ roi thì nhiều.
Xa lắm rồi sắc mây ngày cũ…
Y Nguyên
Ý kiến bạn đọc