Multimedia Đọc Báo in

Hương rơm...

08:19, 18/05/2019
Tôi con nhà nông. Tôi gắn bó cùng rạ rơm ngay lúc mới chào đời khi mẹ đẻ rớt tôi vào… đống rơm lúc đang trên đường đi gánh lúa! Chắc do vậy nên tôi “mê” rơm từ bé, cứ ngóng đến ngày mùa để có cơ hội lăn lê, bò toài giữa bát ngát vàng rơm.

Ngày mùa của quê xưa đi đâu cũng đụng rơm. Lúa gặt, đập tại chỗ hay về sân đều lo thu vén lúa hột mang về nhà trước; phần rơm cứ ném trái sang bên chờ “hậu xử”. Lúa mới gặt, bó chặt nằm đống choán diện tích còn khiêm tốn; nhưng khi đập, giũ xong sẽ lập tức bung tràn thành núi rơm to. Giữa mùa nhà ai cũng gặt. Đập lúa hạt xong là tranh thủ phơi rơm ngay cho kịp nắng kẻo bị “hôi ê” (trạng thái rơm úa, mất mùi thơm). Vậy nên rơm rải vàng rực sân nhà, lấp kín ngõ xóm đường thôn, tràn  luôn xuống cả những chân ruộng khô vừa mới gặt…

Ngày mùa đi học bằng xe đạp, lũ bạn cứ hay càu nhàu chuyện rơm phơi ngoài đường quấn lấy bánh xe đạp đi không nổi. Rơm cuốn chặt, dính sâu vào “mô dê” (moyeu) bánh sau khiến cái líp (roulipe) xe kẹt cứng, chỉ có thể đạp tới mà không cách nào đạp lui ra sau được! Bực mình thật nhưng bù lại những ngày này đi đâu về đâu cũng nghe dậy lên hương lúa, hương đồng, đặc biệt là hương rơm thơm nức. Thật vậy, với tôi thì hương rơm luôn nồng nàn…

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Ngoài giờ học hành, làm việc nhà, rảnh lúc nào tôi lại tranh thủ ra ngoài chơi với rơm. Khi cùng bé em Út, khi rủ bạn bè. Có lúc một mình cũng vẫn cứ chạy tìm rơm. Bữa nào nhà đập lúa đêm, “đệ nhất khoái” là lúc công việc vừa xong, được thả bịch tấm thân mệt nhoài lên đệm rơm êm ái, ngửa mặt mà ngắm trăng đêm vằng vặc, thi thoảng lại quay đầu úp mặt vào rơm hít tới căng lồng ngực những cọng rạ tươi dậy hương thơm ngọt. Ngọt đến mức chẳng đặng đừng phải nhặt ngay một cọng rạ tước vỏ ngoài cho vào miệng nhai nhai nhấm nhấm. Vị ngọt chen cùng vị chát, thêm chút gì tương tự vị phù sa đồng bãi, ngai ngái mà thân quen như khói thuốc lào của cha hoặc mồ hôi áo mẹ. Và cũng chẳng biết tự bao giờ tự nhiên tôi có thói quen mỗi lần đập lúa xong lại tước vỏ rơm cho vào miệng nhai nhai. Con em Út bắt gặp, lêu lêu: “Chị Ba “ăn” rơm miết, giống con bò”…

Rơm phơi đủ nắng rồi sẽ co quắt, bềnh bồng ngả sang vàng nhạt. Hương rơm không còn ngọt lịm như lúc trước mà đã chuyển sang ngầy ngậy bùi bùi. Lạ một điều: hương rơm không hề giảm sút mà dường như còn đậm đặc, nồng nàn hơn! Đánh đống để chờ vun nọc, mẹ cấm lũ nhỏ chạy nhảy lên rơm khô vì sợ xót, sợ đổ banh rơm. Nhưng, chơi với rơm khô thật là thích! Các trò cút bắt, năm mười, ụp lon… chỉ có rơm khô nhẹ bẫng mới có thể chui đầu vào đụn rơm mà trốn, lừa đối phương sơ ý là bung rơm chạy ào ra. Những trò vui ngày mùa của tuổi thơ bảo nhịn thèm sao nổi? Mẹ không cho chơi ở nhà thì lén dắt ra đồng, ra sân kho hợp tác. Chí chóe giỡn cười suốt tối, hít cho đã cái mùi hương ngầy ngậy thẳm sâu để về suốt đêm vẫn còn lương vương ám ảnh…

Mà không phải ám ảnh. Sự thật là bên ngoài cửa sổ phòng tôi cha vừa vun một nọc rơm khô to tướng. Hương rơm mỗi lúc gió lùa lại lan xa dịu nhẹ. Mùa gặt qua đi, hương vẫn ủ sâu trong lòng nọc rơm, thi thoảng lại nồng nàn dậy lên mỗi bận cha ra rút rơm bỏ vào máng cho bò…

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thương nhớ mùi quê
09:27, 04/05/2019
Vấn vương mùa rạ
08:29, 27/04/2019
Sắc mây ngày cũ...
10:21, 25/04/2019
Chợ quê
09:38, 20/04/2019
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.