Multimedia Đọc Báo in

Quê nhà một sớm mai trong

07:34, 22/06/2019

Lâu lắm rồi tôi mới về thăm quê, vì những tất bật của cuộc sống và guồng quay hối hả của công việc nơi phố thị. Sớm mai thức dậy giữa ngôi nhà thân thương, hít thở không khí trong lành của làng quê yên ả bất chợt nghe lòng dâng lên bao niềm cảm xúc.

Tôi ra sau bếp nấu nước pha trà cho ba. Mẹ đã tỉ mẩn bó lá dừa thành từng bó nhỏ để nhóm bếp. Bếp lửa thơm mùi lá dừa, vệt khói đen hằn lên chái bếp. Tôi mang ấm trà ra cho ba, bỗng nhận ra hương hoa bưởi nồng nàn len vào cánh mũi. Tôi bước ra bên cạnh nhà, hai cây bưởi nở bông trắng xóa. Tôi hái một vài nụ hoa trắng nõn còn đọng sương đêm để vào bình trà cho thơm. Ba cười hiền, xoa đầu con gái bảo biết ý ba. Tiếng lũ chim sâu chuyền cành kéo tôi ra vườn. Khu vườn này đã có từ lúc tôi còn nhỏ. Những cây dừa giờ đã lớn tuổi vẫn sum suê buồng trái. Cây vú sữa đã có một vài trái chín, vỏ căng bóng, màu tím sẫm đầy mê hoặc. Hương ổi chín bay loang vào trong gió, dịu ngọt nồng nàn. Trái ổi chỉ be bé, khi non màu xanh sậm, khi già chuyển sang màu xanh trăng trắng, đến khi thật chín thì chuyển sang màu vàng dịu, phần ruột bên trong hồng hồng. Ngày nhỏ, mấy đứa trẻ trong xóm luôn rủ nhau trông chừng mấy cây ổi cuối vườn nhà tôi. Ba tôi biết ý, mỗi khi có ổi chín lại rủ mấy đứa bạn tôi lại rồi hái chia cho chúng. Vườn còn là nơi có nhiều loại rau ngọt lành như rau má, cải trời, rau dền, ngò gai… Tôi thường nhận nhiệm vụ xách rổ tre ra vườn hái rau cho mẹ. Mẹ nấu nồi canh tập tàng, canh rau má với mớ tép sông, rau luộc chấm cá kho quẹt,... món nào với tôi cũng ngon đến nao lòng.

                                                                                                                                                    Minh họa:   Trà My
Minh họa: Trà My

“Ai xôi đậu xanh, đậu đen nước cốt dừa đây”. Tôi nghe tiếng rao bèn chạy ào ra trước đường. Đó là tiếng rao của một bà cụ ở trong xóm mà tôi đã thân thuộc từ tấm bé. Dường như những điều giản dị thân thương của làng quê xóm cũ chưa bao giờ vơi bớt trong tôi. Đã bao năm rồi, tôi của hôm nay vẫn như tôi của ngày nhỏ, sáng sớm nghe tiếng rao là vội vã chạy ra đón. Bà cụ hiền lành, từng nếp nhăn đã dày lên theo năm tháng nhưng da dẻ vẫn còn hồng hào, minh mẫn. Bà vừa hỏi thăm tôi vừa nhanh tay lấy một phần xôi để vào miếng lá chuối xanh um. Bà khéo léo bẻ hai bên mép, rồi gập hai đầu lại một cách thuần thục để miếng lá chuối có thể giữ được phần nước dừa chan lên phía trên.

Tôi mân mê gói xôi như nâng niu ký ức ngọt ngào một thời xưa cũ. Lúc ấy buổi sáng đến trường, mấy đứa trẻ trong xóm tôi có đứa được gói xôi, có đứa chỉ có chén cơm nguội lót bụng. Từng hạt xôi dẻo, hạt đậu đen chín bùi hòa với nước cốt dừa ngọt béo, chút đậu phộng giã nhuyễn quyện hòa nên một hương vị riêng biệt, ngon không lẫn vào đâu được.

Tôi đem mấy gói xôi vào nhà, ngồi trên chiếc võng mắc vào khung gỗ ba tự đóng đợi mẹ đi chợ về. Hương gió mang cả hương lúa từ cánh đồng bên kia sông, mang cả mùi bùn ngai ngái len lỏi vào tận nhà. Mẹ tôi về, chiếc nón lá che nghiêng mái tóc dày óng ả. Mẹ ngồi nghỉ bên thềm nhà, tôi hân hoan lấy ra những thức quà quê ngọt lành trong chiếc giỏ. Mớ cá bống cát tươi, từng ánh vảy lấp lánh. Mớ bông súng tim tím được cuộn lại thành khoanh tròn. Và bánh, ôi những món bánh quê lâu lắm rồi tôi mới lại được thưởng thức. Tôi để xôi, bánh bò, bánh chuối, bánh lá mơ,… lên bàn. Cả nhà cùng ăn bữa sáng giản dị mà ngọt ngào hạnh phúc. Tôi nhấm nháp từng vị dẻo bùi, ngắm con gà trống oai vệ ưỡn bộ ngực lực lưỡng của mình gáy vang trên nóc cây rơm vàng. Con gà mái mơ có bộ lông màu xám tục ta tục tác dắt bầy gà con lông vàng nâu ra đồng tìm thức ăn.

Nắng đã bắt đầu lên chiếu qua hàng cây so đũa trước sân nhà. Từng tốp người đi ra đồng nói cười vui vẻ. Buổi sớm mai nơi làng quê yêu dấu, tôi thấy bình yên bên nụ cười của mẹ của ba, nghe gió xạc xào trên ngọn dừa đung đưa những quả. Trở về nghe thềm nắng rớt bên hiên những tâm tình lắng đọng, lòng an nhiên với bao niềm thương nhớ riêng dành...

Phong Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.