Nhớ món bánh đa quê nhà
Mùa mưa về mẹ ngồi ủ rũ bên hiên nhà, thở dài:
- Mưa suốt, chẳng nắng lên cho người ta phơi bánh.
Nhà làm bánh đa, ngày nào mẹ cũng lụi cụi dậy từ ba, bốn giờ sáng, nhóm bếp củi, bắc nồi lên rồi ngồi tráng bánh. Bánh đa của mẹ ngon nức tiếng ở làng kể từ hồi bà ngoại còn sống. Bà đã truyền cho mẹ cách làm bánh đa từ khi mẹ mới học lớp năm. Bà sang tận làng Củi học người ta cách làm bánh đa. Ngày đó phương tiện còn thô sơ, bà xay bột bằng chiếc cối đá, bỏ gạo vào đó rồi đổ nước, xay thành bột nước rồi mang tráng bánh.
Bánh đa ở quê tôi không to nhưng có một hương vị đặc trưng, đó là mùi thơm của hạt vừng xen lẫn mùi cay cay nồng nồng của tỏi, thêm một chút ớt. Hương vị ấy không thể lẫn vào đâu được. Một chiếc bánh đa tròn bằng miệng chiếc tô canh, hai mặt kín những hạt vừng. Khi nướng lên mùi thơm bay khắp cả mấy gian nhà. Khách đến mua bánh đông nườm nượp khiến bà ngoại quạt mỏi cả tay, bụi than hồng bay đỏ mặt. Cũng nhờ làm bánh đa mà gia đình ngoại khấm khá hơn so với những nhà trong làng.
Một vài người thấy ngoại làm ăn được cũng lân la qua học cách làm. Ngoại không giấu nghề, chỉ cho các cô trong làng làm nhưng không phải ai cũng thực hành được. Cũng là gạo đó, nước đó nhưng phải là bàn tay khéo léo mới cho ra chiếc bánh không dày quá cũng không mỏng quá. Phơi nắng lật trở đủ độ thì khi nướng bánh mới giòn tan thơm phức. Có khi bỏ lên bếp, thêm một ít dầu ăn cũng có thể chiên bánh lên ăn được.
Minh họa: Trà My |
Mẹ học làm bánh được thành thạo mười năm thì ngoại mất. Trước khi mất, ngoại chỉ để lại cái cối đá xay bột và những lời căn dặn tỉ mỉ khi làm bánh. Ngoại dặn nếu muốn giữ chân khách hàng thì không thể làm ẩu; cũng không a dua theo người khác mà thay đổi phương pháp làm bánh. Nghe lời bà ngoại, mẹ vẫn duy trì cách làm bánh truyền thống. Vẫn dùng gạo của làng quê làm ra, thứ gạo mà không phải ở nơi đâu cũng có độ cứng, độ tơi, mùi ngầy ngậy để làm ra bánh đa.
Chúng tôi lên thành phố học chỉ cần mang theo một bọc bánh mẹ đã phơi sẵn, thêm chút dầu ăn vào chiên giòn rụm lên. Cả lũ quây quần trong gian nhà trọ chật ních, đổ thêm tương ớt chấm bánh ăn và rôm rả trò chuyện. Miếng bánh giòn tan trong miệng, beo béo, thơm thơm mùi vừng, mùi tỏi quyện trong nỗi nhớ quê nhà.
Tôi luôn nhớ hình ảnh mẹ cặm cụi bên lò than, vừa thổi quạt bánh vừa quay ra nồi bếp củi cuốn và vớt lên giá phơi mẻ bánh sau. Bàn tay mẹ thoăn thoắt, những chiếc bánh đều tăm tắp hiện nguyên hình dưới bàn tay ấy. Những ngày mưa nắng thất thường, bánh đa nướng lên cứ bị gãy, giao mối hàng người ta không nhận, mẹ về lại thở dài thườn thượt.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những buổi trưa ngủ chập chờn, khi nghe tiếng mẹ la trời mưa là cả ba anh em đều bật dậy chạy ra sân mang bánh vào nhà. Nhiều lần ba nói với mẹ: “Hay mình nghỉ cái nghề này đi, tui thấy mình cực quá à?”. Mẹ chỉ cười hiền. Nhìn đơn giản vậy thôi nhưng nếu bỏ đi cái lò, bỏ đi hương vị quê nhà là một mất mát lớn. Bởi thế, dù cho ba ngăn cản thì mẹ vẫn kiên trì từng ngày với món bánh đa gia truyền. Lưng mẹ còng hơn sau những tháng ngày bưng bê, ngồi quạt bánh. Mắt mẹ mờ dần theo năm tháng. Chúng tôi lớn lên bằng sự vất vả của mẹ, những giọt mồ hôi của ba. Có lẽ vì thế mà món bánh lúc nào cũng ngon nhất đối với những đứa con xa quê khi trở về nhà...
Ngô Nữ Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc