Những tiếng rao trầm...
Tôi trọ ở phố, những buổi sáng một mình ra chợ, đôi khi trong đầu cứ vang vang tiếng rao thân thuộc của cô bán cá ngang qua làng ngày tôi còn nhỏ. Cô bán cá biển nên tôi đoán rằng nhà cô ở đâu đấy trong những làng chài ven biển, ngày qua ngày gánh cá trên con đường xa hút để vào bán cho các mẹ, các chị trong làng. Giọng cô chân chất, đậm chất sóng gió khơi xa, nước da mặn mòi màu nắng biển. Mùi mồ hôi thoảng vương mùi cá, gò má hóp lam lũ, mái tóc được búi cao dưới vành nón sờn bạc. Chỉ cần nghe tiếng rao: “Ai mua cá ra mua…” dịu dàng, trìu mến, vang lên giữa buổi sáng đầu ngày nắng mỏng là tôi biết cô đã vào đến con đê làng. Đôi quang gánh đong đưa gánh hai nia cá tươi, phơi mình loang loáng, tanh nồng, nguyên sơ vị biển. Tiếng rao tất tả, tiếng bán mua lao xao như một thanh âm thân quen gọi về hồi ức. Hồi đó, biết cha con tôi thích ăn cá nên bữa cơm hằng ngày mẹ tôi thường mua cá của cô về kho, nấu canh chua. Vị cá hòa với tấm lòng chắt chiu của mẹ vẫn làm tôi quay quắt nhớ trong những năm tháng xa nhà…
Minh họa: Trà My |
Nghĩ về tiếng rao quê, làm sao quên được con đường đất bụi buổi trưa hè, tôi thường đứng trước cổng nhìn ra, chờ một dáng hình quen thuộc. Ký ức dẫn dắt tôi rong ruổi trong miền ấu thơ xa vắng nhớ về một tiếng rao cũ, tiếng rao của cụ bà tảo tần bán đậu hũ giờ nhòa lẫn trong bóng hình hoài niệm. Tiếng rao khàn đục rơi vào khoảng không lặng thinh, theo gió vỡ òa trong niềm vui bình dị của đám trẻ quê. Vào buổi trưa hè nắng như nung, được ăn tô đậu hũ của bà, cái nóng dường như vợi đi, tan trong vị ngọt thanh dịu của nước đường vàng óng ánh, quyện vào lớp đậu hũ mềm với dư vị khó quên.
Theo từng bước đi khẽ khàng, chậm rãi, tiếng rao của bà chừng như xa vắng nhưng cũng đủ để bầy trẻ nghe thấy mà ùa ra quây quanh bà. Bà gánh đậu hũ đến ngồi ở gốc xoài già tỏa bóng mát ven lối nhỏ, chăm chút múc từng tô đậu hũ còn ấm cho bầy trẻ. Thi thoảng, bà nâng chiếc khăn vắt ngang cổ khẽ lau mồ hôi rịn chảy trên vầng trán khắc khổ vết thời gian. Bà ân cần nhìn chúng tôi vừa ăn vừa rôm rả chuyện trò, đôi quang gánh vẹt mòn mưa nắng, quanh gốc xoài già thoảng thơm hương đậu hũ chân phương.
Sau này, có những trưa tôi cũng ra trước cổng đứng đợi, không chỉ đợi tô đậu hũ ngọt mát của bà mà còn mong được thấy lại dáng bà thầm lặng, khắc khoải phía xa xa, thấy lại những ánh mắt trong veo, những nụ cười vô ngần của đám trẻ quê một thuở vụng dại. Mong được thấy bà ngang qua đây để an lòng rằng bà còn khỏe, còn vui vầy cùng con cháu, dẫu cuộc đời này có lắm đổi thay. Trong vô vàn thanh âm vọng về từ quá khứ, tiếng rao của bà như góp vào tuổi thơ tôi một cung trầm yêu thương, ngọt ngào, luyến lưu trong tâm hồn.
Đi giữa bao bộn bề, vội vã của nhịp sống, đôi lúc chỉ một tiếng rao côi cút vang lên từ đâu đấy lặng yên, cũng đủ làm mình chùng lại, thương đến nao lòng. Tôi tự hỏi sau những tiếng rao ấy là gì, là đàn con đang tuổi ăn, tuổi học chờ mẹ về cùng vài gói quà bánh đơn sơ, hay đứa cháu nhỏ ngóng dáng bà trước ngõ liêu xiêu đôi quang gánh…?
Mỗi tiếng rao vọng về lại thấm đẫm một tình thương, một phận đời mưu sinh, một mảng màu pha lẫn vui buồn, được mất. Tiếng rao từ cô bán cá, cụ bà gánh đậu hũ, chị hàng rong, chú kẹo kéo, bác ve chai… từng ngày cần mẫn, bán mồ hôi để thu về những niềm vui chất phác, một cuộc sống bình dị, chân thành. Họ cũng lưu giữ giúp tôi một khoảng lặng trong ký ức, cùng bóng hình thân thương của những người đã gắn bó cùng tôi, trong từng chặng đường đời…
Ý kiến bạn đọc