Multimedia Đọc Báo in

Tóc mẹ vương ký ức…

07:08, 04/08/2019

Chiều nay tôi về, khắc khoải nhìn mái tóc lưa thưa sợi thời gian của mẹ. Mái tóc ấy nhuốm màu cuộc đời gần 60 năm gió sương nơi miền quê đồng chua nước mặn. Mái tóc thoảng mùi ký ức một thời không thể nào quên…

Cuộc đời luôn có cách để con người ta nhận ra những khắc nghiệt lặng thầm của thời gian. Nhưng tôi biết, ngày tháng đi qua làm sao không lấy dần đi tuổi xuân của mỗi người. Chính tôi cũng đang dần đổi thay theo từng bước vào đời, theo những va vấp tuổi trẻ, những vui buồn cuộc sống. Chỉ có ký ức là vẫn còn vẹn nguyên. Và, mái tóc của mẹ hiện diện như một phần không thể thiếu trong miền ký ức ấy.

Đó là những buổi chiều mẹ gội đầu bên vành giếng, tấm lưng tảo tần nghiêng xuống để mái tóc xõa hết, nước chảy thành từng dòng mềm mại. Tôi nhớ mùi hương của tóc mẹ, giữa những mùi thơm của cỏ cây đồng nội, vẫn còn dư âm mùi mồ hôi pha lẫn mùi dầu gió, thứ mùi mà tôi không thể nào diễn tả hết bằng lời. Chỉ biết rằng nó thoảng về trong tôi bao lam lũ đời mẹ, nó len lén cài vào tóc mẹ những hồi ức tuổi thơ đã qua, nhọc nhằn mà quá đỗi ấm áp. Thứ mùi hương không lẫn vào đâu được giữa bao mùi nước hoa, son phấn nồng nàn mà tôi đã từng ngửi thấy.

     Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Ngày xưa tóc mẹ tôi dày và mượt. Thời gia đình tôi còn sống trong căn nhà cũ, những năm tôi còn nhỏ, hình ảnh mẹ ngồi chải tóc trước hiên nhà làm tôi nhớ mãi, quay quắt đến bây giờ. Cái lược làm bằng gỗ cũ có những chiếc răng thưa, hơi thô, mẹ thường đặt trong hộp bánh quy rỗng, xung quanh đựng thêm vài cuộn chỉ màu và lọ dầu gió. Cứ mỗi lần mẹ chải đầu lại có vài sợi tóc rụng quấn vào những chiếc răng lược, mẹ vo tròn và vắt lên góc nhỏ trên mái hiên. Qua nhiều ngày, tôi xin mẹ dồn lại những sợi tóc rụng ấy và đem đổi kẹo kéo. Bây giờ ngồi nhớ lại, có lẽ đó là cuộc trao đổi giữa những sợi tóc xanh màu tuổi xuân của mẹ, với niềm vui ngây ngô tuổi thơ. 

Tiếng chuông leng keng phát ra từ xe kẹo kéo đổi tóc lấy kẹo đã không còn nữa. Vị kẹo kéo thời nay cũng khác hơn xưa rất nhiều. Tất cả chỉ còn hiện hữu trong tiềm thức của tôi và nhuốm màu dĩ vãng. Tóc mẹ tôi rụng dần. Không còn ai đổi tóc rối lấy kẹo, những sợi tóc mỏng manh nằm ở một góc cũ chơ vơ, đan thành từng vòng tuổi mẹ đã đi qua, từng đổi dời luân chuyển của quá khứ. Ngày nhỏ tôi vẫn nghĩ rằng tóc mẹ rụng nhiều là do cái lược gỗ cứng và thô. Có lúc tôi còn tin rằng tóc mẹ cũng giống như tóc tôi, khi bác thợ hớt tóc cắt đầu đinh cho tôi rồi một thời gian sau tóc có thể mọc lại. Tôi cứ vô tư nghĩ tóc mẹ rụng rồi sẽ dày trở lại, vô tư với thanh kẹo kéo ngọt ngào thời thơ ấu. Tôi đâu biết rằng bây giờ tóc mẹ tôi cột lại chỉ còn một túm nhỏ, không được dày và mượt như ngày xưa, chẳng phải do cái lược gỗ cũ kỹ mà là vì những vất vả của cuộc mưu sinh mưa nắng, những lo lắng, trở trăn vì đàn con sinh ra trong cái nghèo.

Mỗi lần nhìn những mái đầu được nhuộm vàng hay uốn cong bồng bềnh, tôi lại nghĩ về mái tóc của mẹ. Tóc mẹ tôi chưa bao giờ nhuộm, chưa bao giờ được uốn cong. Chỉ thấy thấp thoáng những sợi tóc hoe vàng cháy nắng, xen lẫn những sợi trắng lưa thưa. Một đời mẹ gắn bó với công việc nhà nông, mái tóc xanh cũng chuyển thành màu thời gian, màu ký ức. Tôi về nhà, lặng lẽ chải đầu cho mẹ, những sợi tóc trắng quấn vào lòng tôi bao xót xa khó tả. Mùi mồ hôi, mùi dầu gió quyện lại vỗ về tôi trong yêu thương, từ xưa đến nay chưa bao giờ thôi khắc khoải, chưa bao giờ lòng tôi không nhớ để mà quên mất đường về với mẹ. Có đi đến những chân trời xa xôi nào, cả đời này, làm sao chân tôi có thể đi xa hơn chiều dài sợi tóc mẹ, hun hút miền gió sương…

Trần Văn Thiên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mênh mang tháng bảy
09:05, 30/07/2019
Thương nhớ mùa sen
08:25, 21/07/2019
Nhớ mưa hè
09:04, 13/07/2019
Cào cào mùa hạ
08:31, 06/07/2019
Ký ức mùa hè
08:54, 29/06/2019
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.