Multimedia Đọc Báo in

Lũ về...

14:49, 28/10/2019

Ba điện thoại lên từ quê nhà, giọng trầm trầm: “Lũ về rồi con ơi”. Trong câu nói giản đơn ấy tôi nghe có sự vui mừng sau bao ngày trông ngóng đợi mong và có cả dư âm nghèn nghẹn. Bởi mùa nước lũ về gắn với cả công cuộc mưu sinh, với những mong ước cho một cuộc sống thêm phần đủ đầy.

Không vui sao được khi năm nay lũ cũng đã về dù là khá muộn. Tháng trước, trong những lần điện thoại cho đứa con gái trên thành phố, giọng ba buồn rười rượi. Tôi mường tượng hình ảnh một buổi chiều miền sông nước, ba châm bình trà ngồi nơi hàng hiên, nhìn mực nước thấp nơi mé sông mà đôi mày chau lại kèm một tiếng thở dài. Mớ lưới, lợp để nơi góc nhà im lìm, lặng lẽ.

Xóm trên làm lưới cũng vắng hoe tiếng người mua bán. Những cánh đồng trơ gốc rạ mùa cũ vẫn nằm đó đợi nước tràn đồng. Căn nhà tôi cũng như nhiều nhà khác trong xóm xây kiểu nhà sàn để tránh lũ, đàn gà vẫn còn chí chóe kiếm ăn ở phía dưới. Vắng lũ cũng có nghĩa là những cánh đồng sẽ không được đắp bồi thêm lượng phù sa theo con nước ùa về. Những công việc theo mùa nước nổi cũng sẽ bấp bênh, bao ánh mắt âu lo nhìn về phía xa xăm hiển hiện khắp làng xóm.

Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Thế rồi lũ về, mực nước nhích dần lên. Người dân theo dõi thông tin trên báo đài mà lòng vui mừng phấn khởi. Mùa nước lũ ở quê tôi đã trở thành một đặc trưng rất riêng tạo thành hương sắc độc đáo cho vùng sông nước. Dĩ nhiên, lũ sẽ đẹp nếu mực nước ở một hạn mức nhất định không gây hại cho hoạt động sản xuất. Mỗi chiều sau khi xong hết công việc, mẹ lại gọi điện thoại cho tôi kể đủ chuyện về những ngày nước lên. Điên điển đã bắt đầu nở vàng sông, điểm tô nét duyên mùa nước lên bờ vùng châu thổ phương Nam. Những giề lục bình dường như xanh hơn trôi bồng bềnh trên mặt sông hiền hòa sóng nước. Tiếng ghe xuồng cựa mình xôn xao sau những ngày nằm chờ con nước lên để bắt đầu vụ mùa đánh bắt. Mẻ cá linh non đầu mùa vớt lên trong ánh mắt hồ hởi vui mừng, nụ cười người dân tươi như màu nắng ruộm vàng. Từng con cá linh quẫy mình trong làn nước mát, vảy lấp lánh dưới ánh mặt trời. Rồi bao sản vật khác cũng hội tụ về, nào cua đồng, rắn, ếch, lươn… góp nên sự trù phú của vùng đồng bằng châu thổ.

Lũ về, cuộc mưu sinh có phần gấp gáp, bận rộn hơn nhưng lại đong đầy tình nghĩa. Sau những giờ chống xuồng bắt cá, đặt lợp, cắm câu người ta lại tề tựu cùng nhau, những chiếc xuồng kê sát nhau í ới chia chén cơm, chén nước mắm hay ít cá nướng, mớ bông súng trong bữa cơm dã chiến. Bữa cơm dân dã mà ngọt lòng bởi cái tình, cái nghĩa đậm đà, chân chất của sự sẻ chia, gần gũi. Nhà nào có trẻ nhỏ mà phải đi làm từ sớm sẽ gửi con qua nhà hàng xóm nhờ trông chừng giùm. Mẹ tôi biết nhà ai nấu mắm kho sẽ mang cho mớ bông súng ngọt giòn. Mùa nước nổi, bạn bè từ phương xa ghé lại, người đồng bằng sẽ thân tình dắt bạn tham quan những cánh đồng rực sắc trắng, tím bông súng mà dân quê tôi hay quen gọi là “bông súng ma”. Sẽ cùng bạn đi xuồng thăm những mé sông vàng bông điên điển. Sẽ mời bạn về nhà, nấu bữa cơm giản dị với những đặc sản mùa nước nổi. Một chiều châu thổ gió lộng qua những cánh đồng mênh mông màn nước, nồi mắm kho thơm nồng, đậm vị ăn kèm với bông súng, cà tím, kèo nèo, cạnh bên là tô canh chua bông điên điển vàng ươm nấu cá linh non đầu mùa còn xương mềm, thịt ngọt.

Lũ về, người dân đồng bằng lại bắt đầu những tháng ngày sống lênh đênh cùng con nước “nhảy lên bờ”. Đâu đó trong màn đêm tiếng người giăng lưới, đặt lợp nói cười vui vẻ. Đâu đó những khu chợ người mua, kẻ bán rộn ràng. Dòng nước hào sảng mang theo phù sa về tắm mát ruộng đồng, mang theo những sản vật đặc trưng góp vào nhịp sống châu thổ mùa mưu sinh nhộn nhịp, đong đầy thêm tình nghĩa láng giềng, hàng xóm mộc mạc mà hào phóng, đậm đà.

Phong Dương


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.