Multimedia Đọc Báo in

Rạ rơm ngày cũ

13:59, 25/11/2019
Bước về con đường ngày cũ băng giữa cánh đồng, lòng chợt bâng khuâng những nỗi nhớ vẫn còn nguyên vẹn.
 
Mỗi lúc trời lập đông, cánh đồng phảng phất mùi rạ mới thơm nồng, hương thơm của cánh đồng dẫn lối tôi men theo bước chân ông nội ngày xưa. Cánh đồng đã bao lần ghi dấu chân người gánh dư âm của mùa vàng về lại vườn sau, kết chúng thành cây rơm thật lớn. Nơi bình yên đó cất giữ cả một trời kỷ niệm mênh mông.

Hồi đó tôi thích cùng lũ trẻ đùa vui quanh đống rơm vàng. Buổi trưa khi người lớn còn vất vả ngoài đồng thì tụi con nít thường thích tụm bảy tụm ba quây quần cùng những trò chơi dân dã, mùi hương của rơm rạ, của mùa lúa chín ôm ấp vào lòng, chảy căng lồng ngực. Chúng tôi thỏa thích cười đùa đằng sau góc vườn xanh, cây rơm là nơi lý tưởng để trú ẩn trong trò trốn tìm. Tàu dừa được vót nhẵn làm gươm, lá dừa kết thành áo bào cùng chơi trận giả, đống rơm sau nhà là nơi mà những tiếng cười hồn nhiên trong trẻo vang giòn trong nắng, là chốn mà tình bạn dại khờ được kết nối, rồi lớn dần và mang theo biết bao chia sớt ngọt bùi bên củ khoai, khúc mía...

Minh họa:   Trà My
Minh họa: Trà My

Quê tôi ngày đó chỉ quen trồng lúa mùa một vụ, màu xanh của lúa xuất hiện vào những ngày đầu mùa mưa, còn mỗi độ gió chướng thổi tràn là đồng lúa đã chín vàng. Khi lúa mùa thu hoạch xong, sợi rơm mới như một chút tinh túy còn sót lại của mùa vụ, ông tôi chắt chiu chúng để dành cho cả một mùa khô kề cận. Những ngày nắng, mớ rơm khô ông mang về được phục vụ cho vườn rau, bãi mía. Từng thớ rơm mang hơi ấm của cánh đồng, dịu dàng ôm ấp cho những ổ trứng gà, cho hoa màu tươi tốt qua tháng ngày lạnh giá.

Khi khôn lớn hơn, tôi mới biết quý yêu và trân trọng người đã bao bận gánh cả tuổi thơ về giữa đồng chiều. Những lần đi theo ông, tôi thường được nghe ông dạy biết bao điều nhân nghĩa. Từng câu chuyện kể chứa đầy bài học làm người từ ngàn xưa truyền lại. Ông hay chỉ cho tôi làm rơm con cúi, hướng dẫn tôi cách quấn rơm sao cho thật gọn để dễ mang về, dù cố gắng thế nào đi nữa tôi vẫn chẳng thể nào làm được khéo như ông. Đôi bàn tay ông phai nhòa vết thanh xuân qua tháng ngày mưa nắng dãi dầu, người đã gắn bó bao mùa với đồng ruộng bao la nên việc đồng áng đã thành thạo từ thuở còn trai trẻ. Khi ánh chiều dần rơi, từng tia nắng xuyên qua cánh đồng làm chiếc bóng chập choạng đổ dài trên thân rạ, tôi đã bước theo dấu chân ông qua suốt tháng năm dài.

Thi thoảng hàng xóm có việc cần dùng lại đến tìm xin, ông luôn mỉm cười cho đi mớ rơm vàng óng, đó là một thời hình ảnh của rơm gìn giữ cẩn thận nghĩa xóm tình làng. Suốt đời người lam lũ, ông đã hy sinh cho hạnh phúc cháu con thật nhiều. Một manh áo mỏng che tấm thân gầy, một chiếc nón mê giấu đi nụ cười hốc hác, một đôi gánh ngả nghiêng mang về mái lá những niềm vui chan chứa, bỏ lại sau lưng từng giọt mồ hôi trăn trở nhọc nhằn. Mỗi sáng sớm khi bà nhóm bếp lửa đun ấm nước nấu trà lại nghe thoang thoảng vị đồng quê quyện vào khóe mũi. Rơm rạ khơi bếp hồng sưởi ấm ngày đông. Chén nước trà ủ vị của đất, của rơm, của giọt mồ hôi lan tỏa khắp gian nhà. Làn khói nồng nàn mùi yêu thương chan hòa, bình dị. Ôm vào lòng thật nhiều ký ức để dù có đi khắp nẻo chân trời vẫn không thể nào quên.

Trở về bên cánh đồng xưa, chiếc bóng đổ dài trên đồng lúa hôm nao đã nằm yên giữa cõi im lìm. Nghe trong hơi thở cánh đồng còn vương vất vị mồ hôi người thấm đẫm. Ngần ấy năm ròng, góc vườn nhỏ cũng chẳng còn bóng dáng của đống rơm vàng hiện hữu. Hít căng làn gió đồng quê dịu mát, có mùi rơm rạ cũ năm nào len lỏi làm khóe mắt cay nồng. Sau những chuyến đi dài giữa phố thị mênh mông, bước chân tôi vẫn lặng lẽ mơ về lối mòn thơ ấu, nơi có dáng ông mỗi hoàng hôn gánh niềm vui bé nhỏ đi về.

Thụ Nhân

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Một thuở chăn trâu
09:09, 17/11/2019
Khi nhà mất điện
09:31, 03/11/2019
Lũ về...
14:49, 28/10/2019
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.