Chiếc sàng gạo của mẹ tôi
Mỗi lần bưng bát cơm ăn, có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người đều ngùi ngùi thương nhớ mẹ. Nhớ mẹ, bao giờ tôi cũng nhớ luôn đến những vật dụng hằng ngày gắn liền với mẹ, nhất là trong sinh hoạt lao động. Với tôi, cái sàng gạo năm xưa vẫn bồi hồi đi về trong ký ức mỗi lần nhớ mẹ.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” đã viết về công lao của người dân làm ra hạt gạo trắng thơm bằng những câu thơ đầy xúc động: "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng/Đất nước có từ ngày đó".
Thật vậy, hạt lúa trải qua nhọc nhằn mưa nắng đồng xa cày sâu cuốc bẫm, mang được về nhà phải thấm bao giọt mồ hôi. Đâu dễ đã có ngay hạt gạo, người nông dân phải mang lúa ra phơi khô, ủ cho mềm lại rồi đổ vào cối xay sao cho vỏ lúa tróc ra, vỏ đi một đằng, ruột đi một nẻo. Đến đây là công đoạn của chiếc sàng và hình ảnh người mẹ suốt ngày làm lụng vất vả.
Chiếc sàng, qua bàn tay tảo tần của mẹ, cứ như một vật có phép nhiệm mầu, sẽ tách đi lớp vỏ lúa, chỉ để rơi dưới sàng hạt gạo trắng ngà cứ như muôn ngàn bông hoa trắng li ti nở ra từ tay mẹ. Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn mẹ cầm chiếc sàng đong đưa, mắt tôi sung sướng nhìn theo không chớp. Lúc đó mẹ không chỉ là người mẹ hiền lành thương con bình dị mỗi ngày, mẹ còn như bà tiên trong quả thị bước ra ban cho con đủ thứ bánh ngon, tất cả những thơm thảo ấy đều được làm ra từ hạt gạo trắng trong của mẹ.
Minh họa: Trà My |
Chuyện cái sàng gạo của mẹ dùng mỗi ngày được làm ra cũng đầy lý thú. Thường khi tre đã thôi mọc măng, khoảng tháng mười, ông tôi chọn những thân tre già nhất và chỉ lấy phần gốc tre, sau đó chẻ nhỏ lấy nan và ngâm xuống lòng mương một thời gian ngắn cho tre ủ màu và săn chắc lại. Cảm thấy đủ đảm bảo cho một chiếc sàng bền chắc sau này, ông mới lấy nan tre lên vót nhỏ lại rồi đan sàng. Khâu ban đầu làm thô, chiếc sàng có hình vuông, sau đó tiếp tục làm một chiếc vòng tròn kẹp xung quanh để cho chiếc sàng không bị lay chuyển, nhờ đó mà uốn thành vòng tròn theo ý muốn. Sàng làm xong, chưa dùng ngay được, phải đốt một đống lửa rồi hơ sàng cho cháy đi những sợi tre, dăm nhỏ dư thừa. Lúc này chiếc sàng trông đẹp lạ lùng, mang màu nâu khói thẫm như thửa ruộng vàng đang vào cuối vụ.
Lớn lên, tôi đi học đại học xa nhà, chủ yếu ăn cơm quán xá, xa mẹ hiền yêu dấu, hình ảnh mẹ ngồi bên chiếc nong sàng gạo trong mắt nhìn trẻ thơ của tôi cũng xa thật xa, chỉ còn hiện về trong ký ức. Lâu lắm rồi, chiếc sàng gạo thần tiên kia dường như cũng không được nhìn thấy nữa. Ôi! Chiếc sàng gạo đan bằng tre ngà, óng mượt theo thời gian, qua bàn tay tảo tần của mẹ, đã cho ra hạt gạo thơm tho nuôi con khôn lớn nên người.
Hồng Phương
Ý kiến bạn đọc