Multimedia Đọc Báo in

Tiếng rao khuya giữa phố

06:30, 06/12/2020
Phố đã chạm đông thật rồi. Những ngày này gió đã rít thổi mạnh hơn, hơi lạnh bao trùm đặc quánh. Một đêm một mình ở phố, lòng tôi hoang hoải, và chợt ngân lên từng cung bậc cảm xúc khó tả khi bắt gặp những tiếng rao khuya…

Tròn mười năm ở phố tôi làm bạn với tiếng rao khuya. Nhớ những ngày mới đến phố, tôi tò mò khi trong đêm khuya thinh vắng tiếng rao lại vang lên. Mở vội cánh cửa, dõi xuống phố ánh đèn vàng vọt hắt lên những tàng cây, những tiếng rao khuya nối tiếp nhau vang ngân… Đó là thời điểm rất khuya, có khi thời gian đã điểm sang ngày mới. Và cứ thế đều đặn khi phố đã tĩnh lặng, đàn dế đã nấp vào lớp đất nâu mà nỉ non khúc nhạc cũ, dòng người thưa thớt thì tiếng rao lại vang lên. “Ai ngô không?”, “Ai xôi khúc, xôi sắn, xôi đỗ đen không?”, “Bánh mì không?”, “Bánh bao nào”… Những tiếng rao vang lên từng hồi, nghe trong đó ẩn chứa cả nỗi niềm của người bán, của những tâm sự với phố sau chuỗi ngày dài làm việc mệt mỏi.

                   			                                   Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Như một dòng ký ức nào đó thật diệu kì, tôi dõi theo và ghi nhớ rõ mồn một từng tiếng rao khuya qua phố. Những tiếng rao chất chứa những phận đời tứ xứ, mưu sinh nơi đất khách quê người. Là tiếng rao nằng nặng, khàn đục của một người đàn ông chắc cũng đã trải qua độ tuổi ngũ tuần. Là giọng của người phụ nữ gấp gáp, tất bật, vội vã. Là giọng rao của cô bé đang còn nhỏ tuổi nghe nghèn nghẹn trong cổ họng mà thương da diết… Dù là tiếng rao như thế nào, của ai thì người nghe đều mường tượng ra những phận đời đang xa quê. Vì một lý do gì đó, họ phải chọn nghề nghiệp này và thức cùng với phố, với những tiếng rao khuya.

Rồi tiếng rao cũng dần khuất đi, để lại âm thanh những vòng xe chầm chậm, lạo xạo sên xích. Thương mùa nóng bức, tiếng rao lạc vào gió hè bỏng rát, mùa đông tiếng rao lạnh buốt, run run. Không biết trong đêm những người mưu sinh bao giờ mới được trở về nhà? Thúng xôi, thúng bánh mì, bánh bao đằng sau bao giờ mới vơi đi cho vòng xe bớt cực, cho tiếng rao bớt nhọc nhằn? Chất chứa trong những tiếng rao khuya là vẽ lên bấy nhiêu hoàn cảnh, phận đời khác nhau. Đèo theo nó là cả những niềm mong ước, niềm hy vọng của những ông bố, bà mẹ muốn con cái mình được bằng bạn bằng bè, và hơn hết là nên người và thành đạt.

Những ngày mới đến phố, tôi luôn có cảm giác mình lẻ loi, cô độc một cách khó tả. Lòng buồn mênh mang nhớ gia đình, nhớ quê hương đến khôn xiết. Và nỗi nhớ, sự cô độc ấy càng về đêm càng nhân lên ngày một nhiều. Thật kì lạ! Tiếng rao khuya đi qua, khi đó lòng tôi bỗng thấy an yên một cách khôn cùng. Tiếng rao khuya như đã ủ ấm, nhen nhóm lên trong lòng tôi với tất cả sự bao dung của phố.

Những tiếng rao khuya đã làm nên một cái gì đó rất riêng của phố. Mà bất chợt đi xa, khi không còn được nghe nữa thì lòng lại nhớ rất nhiều. Hôm nay tôi ngồi đây, chạm lại tiếng rao trong đêm khuya thinh vắng và bật radio nghe lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao. Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao. Có phải chị tôi ra đi từ chốn quê nghèo. Có phải mẹ anh bôn ba từ miền Trung xa xôi…” mà lòng nao nao khó tả. Tôi biết mình đã phải lòng với phố, với những tiếng rao khuya thân thương…

Đào Thanh Tùng


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thân thương xóm cũ
09:53, 28/11/2020
Nhớ mùa đông năm cũ
08:57, 24/11/2020
Về lại mùa đông
09:45, 20/11/2020
Mùi... bùn
05:37, 15/11/2020
Nhớ ngọn gió đông
11:09, 07/11/2020
Rưng rưng mùa lũ...
09:19, 23/10/2020
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.