Multimedia Đọc Báo in

Thương về đồng cói ngày xưa

06:55, 03/01/2021

Lang thang trên những chân ruộng nhà nội trong buổi chiều đông mờ ảo sương khói, tôi thầm ước mình vẫn là cô bé hồn nhiên thuở nào, chân trần lội ruộng chạy theo những cánh diều no gió vi vu.

Không chỉ là nguồn sống của gia đình tôi qua lúc khó khăn, mất mùa mà cánh đồng cói còn là nơi cất giữ bao khoảnh khắc ngọt ngào khi được sống cùng với ông bà nội kính yêu.

Cói là một loại cỏ dại mọc ven đường, trên những thửa ruộng, hay mọc hoang dại ở những bãi đầm. Lúc nhỏ, vào những ngày trời nắng đẹp, tôi vẫn thường theo ông bà và cha mẹ đi chặt cói mang về dệt chiếu. Suốt buổi làm, tôi được nghe bao câu chuyện xưa của ông bà nội. Để dệt nên những đôi chiếu bền đẹp, trước đây ông bà tôi phải chống thuyền đi rất xa, vượt qua nhiều kênh, rạch mới tìm được những cây cói hoang dại mọc ven đầm. Hành trình đi tìm cói tốn khá nhiều thời gian, công sức và hiểm nguy nên ông nội quyết định dành hẳn mấy sào ruộng để trồng cói. Cây cói vốn là loài cỏ dại nên rất dễ trồng, dễ sống và không kén đất. Khác với lúa, cây cói chỉ trồng một lần, bón phân đúng định kỳ thì có thể thu hoạch được nhiều năm.

Đến ngày thu hoạch, cả cánh đồng cói bao phủ một không khí đầy tất bật và hối hả. Cha và ông nội một tay cầm chiếc phảng to, dài vung lên cao, tay còn lại cầm cù nèo để kéo cói về một phía. Mỗi nhát chặt cần nhiều lực và dứt khoát cho cọng cói đứt ngọt. Còn bà và mẹ, công việc có phần nhẹ nhàng hơn là giũ, thu gom và phân loại cói.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Cói dùng để làm chiếu phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi thu hoạch cói về, mẹ sẽ cắt gọn gốc và ngọn cho đủ kích thước rồi mang chúng ra phơi. Mẹ bảo chỉ phơi sơ qua một nắng thôi, rồi đem vào nhà để chẻ thành sợi. Ngày nhỏ, mỗi lần được ngắm nhìn đôi bàn tay khéo léo của mẹ, của bà tỉ mẩn chẻ từng sợi cói nhỏ mà lòng tôi thích thú đến lạ. Lớn lên tôi nhận ra, nghề trồng cói, dệt chiếu đã lấy đi biết bao giọt mồ hôi và công sức của ông bà, cha mẹ tôi. Không dừng lại ở việc chẻ cói, để làm ra những đôi chiếu đẹp đủ màu sắc, nội tôi còn đem nhuộm cói đã phơi khô với nước màu. Nội nấu một nồi nước thật to, khi nước đã sôi nội hòa phẩm màu vào với tỷ lệ phù hợp, cho mớ cói cần nhuộm vào, trở đều rồi vớt ra phơi khô. Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy thích được ngắm nhìn những bó cói với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, tím… nên hễ lúc cha mẹ không để ý, chúng tôi lại lén lấy vài cây cói màu đem ra chơi đồ hàng.

Ngày xưa về quê nội, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu xanh tươi từ phía cánh đồng cói. Giờ đây khung cảnh ấy chỉ còn là ảo ảnh bởi đã khá lâu rồi, tôi không còn được ngắm nhìn làn sương vương trên đám cói xanh rì, đã lâu rồi tôi không còn thấy dáng nội ngồi đan cói dệt chiếu trên khung dệt cũ. Nhớ về nội là khi tôi nhớ những tháng ngày được ngồi cạnh nội bên khung dệt, lặng lẽ ngắm nhìn đôi bàn tay cần mẫn của người. Nội vẫn thường cho tôi ngồi cùng trên khung dệt, bắt chước nội dùng cây dập, dập sợi cói vào cho sát kín với nhau. Cứ thế ngày qua ngày, mọi người trong gia đình tôi đã gắn bó cuộc đời mình với cánh đồng cói.

Trải qua bao thăng trầm, ông nội tôi giờ đã là người thiên cổ, gia đình tôi từ lúc chuyển về quê ngoại sinh sống cũng không còn làm nghề trồng cói, dệt chiếu. Về quê ngoại, cha mẹ tôi mưu sinh bằng nhiều nghề khác như nuôi tôm, trồng lúa, nhưng mỗi khi có ai đó nhắc đến nghề dệt chiếu, tôi lại bắt gặp ánh nhìn xa xăm đầy nỗi niềm của cha.

Trần Thị Thắm


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Tháng Chạp của mẹ
08:51, 29/12/2020
Bữa cơm ấm áp
13:58, 26/12/2020
Thương lắm rau quê
08:27, 23/12/2020
Mưa dầm miền Trung...
05:41, 18/12/2020
Thân thương xóm cũ
09:53, 28/11/2020
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.