Sơn nữ hoa
“Không có em hoa quỳ vẫn nở/Như tháng năm không có chúng mình/Đâu phải vô tình màu hoa lặng lẽ/Hoa cháy ven đường như nắng lung linh…”.
Đó là ca từ của một ca khúc mà tôi viết trong thanh xuân cuộc đời. Lúc đó tôi viết về hoa quỳ bằng nỗi nhớ của một năm trời học ôn thi ở thành phố “có em má đỏ, môi hồng” Pleiku; bằng nỗi thao thiết những lần cuốc bộ vòng quanh Đà Lạt trập trùng với đôi giày mòn rách cùng bè bạn; và cả những tháng năm dài cùng đồng nghiệp quay phim trên nhiều nẻo đường dọc ngang Tây Nguyên, để ghi lại hình ảnh cho không dưới vài chục phim tài liệu có đề tài gắn bó với mảnh đất này.
Nhưng hoa quỳ vàng không chỉ có ở Tây Nguyên. Sau tháng 4-1975, khi gia đình tôi hồi cư từ Đà Nẵng về lại cố hương Quảng Trị, tôi đã lần đầu nhìn thấy màu hoa quỳ vàng thấp thoáng ven Đường 9, xen lẫn giữa những bờ lau lách, ngát hương sim tím. Rồi sau này, lên miền Tây Bắc, tôi lại gặp quỳ vàng ở những cung đường mây trắng từ Lai Châu đi vào Bản Hon, từ Điện Biên qua Mường Phăng, Mường Nhé… Mỗi lần như thế, dã quỳ lại làm sống dậy trong tôi cảm xúc khó tả, một cái gì xưa cũ nhưng thân ái, giản dị mà máu mủ…
Ảnh minh họa: Hoàng Gia |
Vàng miên man theo những cung đường miền núi, trung du hoặc mênh mông cả thảm hoa vàng giữa trập trùng thảo nguyên, hoa quỳ sống âm thầm như cỏ dại. Vậy mà tôi tin chắc rằng, ít có loài hoa nào có nhiều tên gọi như hoa quỳ. Tên “cúng cơm” xưa nhất có lẽ là một trong những cái tên: cúc quỳ, quỳ vàng, sơn quỳ, sau này người ta thêm chữ nghĩa vào: dã quỳ, quỳ dại, sen quỳ, hướng dương dại, hướng dương núi, hoàng quỳ, hoa báo đông... Trong những lần lang thang làm phim, tôi nghe người Êđê gọi hoa quỳ là Ngà pí, người M'nông gọi là Akao lingui, người K’ho gọi Bkao Bơtăng - nghĩa nôm na là loài hoa màu vàng của rừng núi.
Đã từng có những ngày đầu mùa khô Tây Nguyên, tôi lang thang theo những triền đồi, thả hồn mê man giữa thảm quỳ vàng bất tận. Đâu đó những vạt đồi thắp nắng vàng cam rực rỡ dưới chân đèo Prenn, hun hút vàng tươi dưới chân thác ầm ào trắng xóa của Drai Nur, Drai Sáp hay vàng ngợp lao xao như sóng từ dưới chân lên đến đỉnh đồi miệng núi lửa cổ xưa Chư Đăng Ya. Ở đâu quỳ vàng cũng mang vẻ đẹp hoang dại, phô hiến. Lạ lùng ở chỗ khi mọc thành đồi, thành núi đẹp đã đành, ngay khi chỉ một lùm quỳ nhỏ gắng gỏi mọc lên ở góc rẫy còn rẻo đất sót lại, hoa quỳ cũng bung bẩy, chung chiêng như những ân tình gắng gượng gửi trao cho người.
Tôi nghĩ, về phẩm chất dã quỳ hơn hẳn những loài hoa “công tằng tôn nữ” khác. Khác bởi sự an nhiên, tự tại, không tranh đua, không bon chen, giành giật. Chúng bám vào đất mẹ thiên nhiên, khước từ mọi sự chăm bẵm của người yêu hoa. Chỉ những cô gái trên đường về buôn, chỉ lũ trẻ con hồn nhiên chạy nhảy mới bứt vài bông cài lên tóc làm duyên hoặc dùng cánh hoa làm tiền chơi trò mua bán đồ hàng. Còn lại, đố ai ngắt, bẻ hoa quỳ về cắm lọ, trang trí nhà cửa. Bởi ngay khi rời bỏ núi đồi thung sâu, hoa quỳ lập tức buồn bã, héo rũ.
Nhưng có một điều tôi cảm nhận sau nhiều năm tháng biết và yêu loài hoa dại này - đó là sự tương đồng giữa quỳ vàng với những cô gái miền sơn nguyên. Mộc mạc, chân tình, hồn nhiên xao xuyến, phô bày. Đó là vẻ đẹp của những cô gái chân trần đeo gùi lên rẫy vang tiếng cười trong veo, là khuôn ngực căng tròn nhựa sống mỗi chiều về giữa dòng suối vui đùa cùng nhau. Và tôi cũng không quên có những buổi chiều, giữa đường xa mông quạnh, mùa khô Tây Nguyên phủ đầy bụi đỏ lên những cánh hoa quỳ mỏng manh, tôi đã nhìn ra trong đó dáng những sơn nữ ẩn nhẫn, miệt mài bên khung cửi, những cô gái có đôi mắt đẹp và u buồn.
Khi viết những dòng tùy bút này, tôi có thông tin quê nhà Quảng Trị đang triển khai dự án trồng 1.000 cây dã quỳ ở miền tây, dọc con đường từ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đến Trường Tiểu học Hướng Phùng. Đây chỉ là bước khởi động ban đầu để tiến tới trồng thêm ở nhiều ngã đường khác của miền cao Hướng Hóa. Chỉ hình dung thôi cũng đã ấm lòng trước hình ảnh một ngày không xa, dã quỳ ngờm ngợp vàng níu chân du khách, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, trải khắp miền biên viễn nơi đường xuyên Á băng ngang. Tôi cũng hình dung một đêm nào đó sau này, cùng với bạn bè mắc võng ở cung đường nào đó, để tưởng nhớ lúc phong trần trai trẻ ở Tây Nguyên.
Và loài hoa mà tôi gọi cho riêng mình sơn nữ hoa sẽ tỏa sáng một vùng rừng núi, cùng cất tiếng hát vô thanh về vẻ đẹp ngàn đời của những cô gái vùng cao…
Tùy bút của Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc