Multimedia Đọc Báo in

Thương chiếc nón quê

06:49, 09/05/2021

Xa quê, làm việc trên phố đã lâu nhưng những hình ảnh của quê hương vẫn khiến tôi nhớ mãi. Nhớ nhiều nhất vẫn là hình ảnh chiếc nón lá quê. Có đôi lúc, ngồi ở một góc phố quen nào đó, trong dòng người hối hả qua lại, bất chợt nhìn thấy chiếc nón trắng nhấp nhô cùng đôi quang gánh tảo tần, sao thấy chạnh lòng da diết...

Chiếc nón lá đã hiện diện trong tôi từ thuở ấu thơ. Ðó là những lời ru, bài ca dao gắn với chiếc nón, chiếc áo bà ba, với hình ảnh của những cô gái lấy chồng xa xứ. Và cũng giống như lũy tre làng, tôi sinh ra đã thấy chúng có từ khi nào. Nón lá quen thuộc, gần gũi mang niềm thương nỗi nhớ vào cả giấc chiêm bao.

Và ngày ngày, ngang qua cánh đồng, những chiếc nón lá hiện diện ở đó từ lúc trời còn mờ sương đến khi chiều tà. Nón lá như một vật bất ly thân của người nông dân, gắn với phận người, phận quê cày cuốc sớm chiều. Màu vàng lúa chín điểm tô màu trắng của nón lá, của từng cánh cò tạo nên một bức tranh quê tĩnh lặng yên bình. Sẽ là không hoàn chỉnh nếu một bức tranh quê thiếu đi hình ảnh của người phụ nữ, của những chiếc nón lá.

                                                                                                                                        Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Khi đến tuổi cập kê, những cô gái quê thường điệu đà với chiếc áo bà ba, quần lụa đen cùng với chiếc nón lá. Chiếc nón lá nhấp nhô cùng tà áo dài trắng thướt tha trước cổng trường. Dáng vẻ điệu đà ấy làm bao con tim thổn thức. Một hình ảnh duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

Rồi nón lá theo chân những người mẹ, người vợ ra đồng. Dẫu có bao nhiêu loại mũ nón thay thế nhưng chiếc nón lá luôn giữ vai trò đặc biệt trong nếp sống văn hóa của người nhà quê. Nón đội đầu duyên dáng là thế, nhưng cũng có khi nón trở thành vật đựng rau quả. Khi đám bông bí non mơn mởn bên bờ ao, hay những quả cà, trái đu đủ chín không có túi mang về, các mẹ thường dùng nón để đựng mang về.

Phía sau nhà bao giờ cũng có nón lá, gàu tát nước hay đôi quang gánh cong cong. Những đồ vật gần gũi, và nó được sắp xếp cẩn thận trong nỗi nhớ niềm thương của mỗi người. Nón lá được dùng cho đến khi sờn màu, bạc phếch theo năm tháng nhưng vẫn cứ gắn bó với các bà, các mẹ.

Nón lá che mưa che nắng, là người bạn gắn bó với bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày. Những nụ cười duyên dưới vành nón lá, hay đôi mắt lo lắng ướt đẫm từng nỗi buồn giấu dưới vành nón lá xinh xinh.

Xa quê lên phố, tưởng chừng như hình ảnh chiếc nón lá cùng đôi quang gánh đã trôi vào dĩ vãng. Nhưng ở góc phố, con đường tấp nập xe cộ qua lại, thỉnh thoảng tôi vô tình thấy chiếc nón lá quê đã sờn màu và bắt đầu rách đi vài chỗ. Hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc, hình ảnh của quê nhà, của mẹ mỗi khi làm đồng ùa về trong tâm tưởng khiến tôi lại thấy nao lòng.

Chiếc nón lá như mang cả vùng trời bình yên của làng quê, mang cả sự dịu dàng và tinh tế của người phụ nữ. Dẫu quê hương đã có nhiều thay đổi nhưng nét đẹp về làng quê, ruộng vườn, lũy tre xanh rì rào hay con đường rợp lá vàng bay vẫn còn nguyên vẹn. Và vẫn còn đó bóng dáng lam lũ, những gương mặt hiền hòa cùng chiếc nón lá che mưa, che nắng. Tôi yêu nón lá, yêu những gì thuộc về quê hương xứ sở trên mảnh đất cong cong hình chữ S.

Thân Thị Thanh Trâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.