Multimedia Đọc Báo in

Thông tin Khoa học môi trường

14:48, 04/06/2010

 

1.Giải pháp vi sinh cho nạn ô nhiễm plastic nước biển
 
Theo Hiệp hội Vi sinh của Anh, trong những năm gần đây tình trạng ô nhiễm nước biển đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm plastic. Chất thải plastic khi phân hủy tạo ra những mảnh vụn nhỏ dưới 5 mm (còn gọi là microplastic), khi động vật ăn vào, các hóa chất sẽ ngấm vào cơ thể chúng, phát sinh nhiều bệnh nan y và cuối cùng truyền sang cho con người. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia ở ĐH Sheffield đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp vi sinh nhằm làm sạch các microplastic nói trên. Đây là phương pháp kết hợp các vi sinh của biển, nhóm vi sinh vật sống trên bề mặt biển, nó có thể hoạt hóa bẻ gãy các chất plastic hoặc các hóa chất có trong nhựa thải. Ngoài ra người ta còn tính đến giải pháp đưa các vi sinh này vào polyethylene ngay từ khâu  sản xuất túi nilông để nó tạo ra màng sinh học biofilm trên bề mặt giống như vi sinh vật biển từng làm.
 
2.Hệ sinh thái biển bị đe dọa bởi tính acid nước biển tăng

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là CO2 trong khí quyển đã làm cho nước biển bị ô nhiễm, tính acid tăng lên. Bằng chứng là độ pH của nước biển giảm mạnh làm cho nhiều sinh vật biển bị tuyệt chủng như khuẩn, động vật phù du hoặc các cơ cấu siêu nhỏ. Trong số này có nhóm khuẩn có tên là Marine Roseobacter Clade (MRC), đây là loại khuẩn hữu ích, có khả năng bẻ gãy hợp chất lưu huỳnh có tên là dimethylsulfonioprionate (DMSP) do động vật phù du chuyên tổng hợp ánh sáng sản xuất ra và chuyển hóa DMSP thành Dimethysulfide (DMS). DMS có tác dụng hình thành mây phản chiếu ánh nắng mặt trời trở lại, giúp trái đất mát hơn. Tuy nhiên, một khi nước biển trở nên chua (tăng tính axit) thì hệ sinh thái biển sẽ lụi tàn, thức ăn cho các loài động vật khác giảm và kéo theo nhiều hậu quả tồi tệ khác.
3. Bảo vệ rừng là chiến lược quan trọng nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu
 

13 nghiên cứu của các viện nghiên cứu và các trường ĐH Mỹ vừa đăng tải trên tạp chí PlosBiology số tháng 4-2010 cho biết, một trong những mục tiêu hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu của con người trong tương lai là việc bảo vệ rừng, bởi rừng được xem là lá phổi của hành tinh. Nó có tác dụng hút chất độc, làm giảm chất phát tán khí gây hiệu ứng nhà kính và mang lại nhiều lợi ích to lớn khác. Việc phá rừng đã làm tăng tới 15% phát tán khí gây hiệu ứng nhà kính, lớn hơn cả việc phát tán do các phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hóa thạch gây ra. Ngoài ra, phá rừng còn gây ra tình trạng xói mòn đất, phát sinh lũ lụt, lở đất… Theo nghiên cứu này, các quốc gia có rừng cần làm tốt một số khuyến cáo sau:
- Cần có kế hoạch bảo vệ vùng đất, vùng rừng đã được quy hoạch, không được lấn chiếm để làm những mục đích khác.
- Xây dựng cơ chế bảo vệ rừng, cương quyết với nạn đốt phá và khai thác trái phép.
- Tuyên truyền giáo dục người dân, đặc biệt là những người sống quanh rừng, người dân tộc thiểu số về lợi ích bảo vệ rừng và động viên cộng đồng cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
- Có chế độ thưởng phạt rõ ràng đối với công tác bảo vệ rừng.
4. Nhiên liệu E20 có tác dụng làm giảm phát tán CO và Hydrocarbon của phương tiện giao thông
 

Các chuyên gia ở Viện Công nghệ Rochester (Mỹ) vừa cho ra đời loại nhiên liệu có tên là E20, có tác dụng tích cực trong việc phát tán khí gây ô nhiễm môi trường. E20 là nhiên liệu trộn 20% ethanol với xăng. Với tỷ lệ này các chất phát tán CO và hydrocarbon giảm hơn so với xăng truyền thống hay còn gọi là E10. Kết luận trên được dựa vào nghiên cứu thử nghiệm E20 cho 10 loại phương tiện cũ hay những phương tiện không dùng hỗn hợp xăng trộn ethanol chạy trên đoạn đường trên 100.000 dặm (160.000 km), sau đó tiến hành phân tích định kỳ mức phát tán CO và hydrocarbon cũng như các chất thải khác. Kết quả mức phát tán CO giảm 23% và hydrocarbon giảm 13% so với xăng quy ước và không gây sự cố hao mòn máy móc, thiết bị.
5. Nguyên nhân gây nổ mỏ than
Trong thời gian gần đây tại Mỹ xuất hiện nhiều vụ tai nạn nổ mỏ than nghiêm trọng như vụ nổ mỏ than Upper Big Branch của công ty Massey Energy Co. đầu tháng 4 vừa qua, làm ít nhất 25 thợ mỏ bị thiệt mạng. Qua nghiên cứu, nhóm giáo sư ở ĐH West Virginia đã phát hiện thấy hai nguyên nhân chính, đó là nổ khí methan và nổ bụi than.
 
Nổ khí methal xảy ra khi khí methan tích nhiều trong mỏ, đây là sản phẩm phụ của than tiếp xúc với nguồn nhiên liệu nóng, nhất là khi trong mỏ thiếu không khí làm loãng methan xuống dưới mức an toàn. Trung bình, tại các mỏ than ở Mỹ, một tấn than có chứa từ 2,83 - 17m3 khí methan, trong khi đó nếu trong không khí hàm lượng khí methan từ 5% - 15% có thể gây nổ. Để hạn chế, việc thông khí được xem là giải pháp tối ưu, người ta phải dùng những chiếc quạt lớn để thổi không khí ra ngoài hoặc thổi không khí sạch vào trong mỏ, tuy nhiên việc làm này không đơn giản và tốn kém, phức tạp. Ngoài ra để bảo đảm an toàn thì nồng độ khí methan phải duy trì ở mức dưới 1%. Nguyên nhân thứ 2 là do bụi than, đây là những hạt bụi nhỏ khi tiếp xúc với nguồn  nhiệt. Trong khi khí methan dễ bắt nhiệt thì áp suất gây nổ và nhiệt lượng của mỏ than lại không cân bằng bụi than, vì vậy mà phần lớn những vụ nổ là do nổ bụi than xảy ra trước do nổ khí methan tác động. Bởi vậy cả hai yếu tố trên được xem là những nguyên nhân đồng hành gây cháy nổ tại các mỏ than.
Khắc Nam
(Theo Net/SD/LS- 4/2010)

 


Ý kiến bạn đọc