“Cuộc đua” trên thị trường smartphone Việt
Đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và nhà sản xuất, thị phần của smartphone sử dụng nền tảng Android đang cùng iPhone tăng nhanh tại thị trường smartphone tại Việt Nam. Tuy nhiên, “cựu binh” Symbian vẫn đang nắm giữ “miếng bánh” lớn.
"Sức nóng" từ iPhone và smartphone Android
Sau 4 năm kể từ khi ra phiên bản iPhone đầu tiên năm 2007, qua 4 phiên bản, “sức nóng” của iPhone lan tỏa khắp nơi trên thế giới, đặc biệt khi Apple đã phát hành phiên bản quốc tế, cho phép sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, số lượng iPhone tại thị trường Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, theo đường xách tay lẫn nhập khẩu chính hãng từ các nhà phân phối.
Sự nổi tiếng của thương hiệu Apple, vốn đã từng rất thành công trước đây với máy nghe nhạc iPod chính là 1 trong những lý do chính khiến iPhone nhanh chóng tạo cơn sốt tại Việt Nam. Thêm vào đó, thiết kế đẹp mắt, nhỏ gọn, đặc biệt màn hình cảm ứng mượt mà… chính là những lý do khiến khách hàng trong nước, đặc biệt là giới trẻ luôn lựa chọn iPhone làm “dế" cưng cho mình.
Trong khi đó, xuất hiện chậm hơn, đến 2009 những chiếc smartphone đầu tiên dán nhãn Google, sử dụng nền tảng Android mới bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Không quá ồn ào và đình đám như iPhone, nhưng các sản phẩm sử dụng Android lại có được sự hùng hậu về số lượng và kiểu dáng. Trong khi iPhone chỉ là sản phẩm của riêng Apple, với thiết kế đơn nhất, thì Android lại có đội ngũ các nhà sản xuất đông đảo, bao gồm HTC, Samsung, LG, Sony Ericsson… với nhiều kiểu dáng thiết kế khác nhau.
Một trong những nguyên nhân chính giúp Android thành công tại thị trường Việt Nam chính là số lượng người dùng Google đông đảo. Việc tích hợp các ứng dụng Google vào bên trong nền tảng này giúp người dùng khai thác và sử dụng chúng được thuận tiện hơn. Ngoài ra, giới mê công nghệ đặc biệt ấn tượng với số lượng ứng dụng hỗ trợ “khủng” dành cho cả nền tảng iOS trên iPhone lẫn Android.
Tuy nhiên, mặc dù, điện thoại Android có nhiều mẫu mã và mức giá mềm hơn hẳn so với iPhone, tuy nhiên, iPhone lại “ăn điểm” hơn Android về thương hiệu và kiểu dáng.
Windows Mobile: Qua rồi thời “hoàng kim”
Cách đây chừng 10 năm, khi thị trường smartphone vẫn còn “im hơi lặng tiếng”, đó là thời điểm của những chiếc máy PDA, với màn hình cảm ứng, những tính năng hỗ trợ cho người sử dụng… thì Windows Mobile thực sự trở thành 1 trào lưu. Đến lúc thị trường bắt đầu rục rịch với các sản phẩm smartphone, Windows Mobile cũng đã 1 thời “làm mưa, làm gió” tại thị trường Việt Nam. Với số lượng người dùng PC chiếm ưu thế, việc lựa chọn 1 chiếc smartphone với nền tảng thân thuộc là điều không ít khách hàng lựa chọn. Với triết lý: những gì bạn có thể làm trên PC cũng có thể làm trên smartphone sử dụng Windows Mobile, thậm chí nhiều ứng dụng trên PC cũng đã có phiên bản dành cho smartphone đã giúp Windows Mobie “được lòng” người dùng, nhất là những người dùng bận rộng tại Việt Nam, thường xuyên cần 1 thiết bị có thể đáp ứng đầy đủ các công việc của mình.
Tuy nhiên, Windows Mobile khá bảo thủ trong quá trình phát triển, luôn tỏ ra chậm chạp trước những thay đổi về công nghệ. Suốt 7 năm từ 2004- 2011, Windows Mobile dường như không hề có chỉnh sửa trong nhân hệ điều hành, chỉ có những thay đổi nhỏ về giao diện và chức năng không đáng kể. Chính vì thế, thị phần Windows Mobile liên tục xuống dốc, không chỉ ở thị trường Việt Nam mà trên toàn thế giới. Microsoft cuối cùng đã phải quyết định “khai tử” Windows Mobile và thay thế bằng Windows Phone 7. Ở thị trường Việt Nam, Windows Phone 7 xuất hiện từ khá sớm, với các dòng máy đầu tiên : LG 7, HTC HD7..... ở thời điểm ra mắt đều là các siêu phẩm. Nhưng Windows Phone 7 chưa gây được sự chú ý lớn. Mặc dù người dùng ưng ý với giao diện mới của Windows Phone 7 , nhưng khả năng giải trí hạn chế, phần mềm tương thích ít. Con đường trước mắt của Windows Phone 7 còn nhiều chông gai.
Symbian: "Bám trụ" từ vinh quang cũ
Cách đây không lâu, trước thời điểm iPhone được ra mắt, nhắc đến điện thoại, người ta nghĩ ngay đến Nokia, với những thiết kế phong cách, kiểu dáng thời trang và đặc biệt nền tảng Symbian mạnh mẽ. Tuy nhiên, Nokia đã quá chậm chạp trong việc cải tiến nền tảng di động này, với số lượng ứng dụng nghèo nàn. Nên không lâu ngay sau khi iPhone, và sau đó là Android xuất hiện, Symbian nhanh chóng trở thành hệ điều hành “già cỗi” bị khách hàng quay lưng.
Nhằm lấy lại lòng tin của người sử dụng, Nokia liên tục ra mắt những mẫu smartphone ăn khách như N8, X7… nhưng cuộc đua vẫn dường như rất khó khăn. Tuy nhiên, khác với Windows Mobile, Nokia vẫn có 1 lượng người dùng trung thành với các sản phẩm của mình. Điều này giải thích lý do tại sao, mặc dù lượng sản phẩm tiêu thụ của Nokia trên thị trường Việt Nam giảm hơn so với các hãng khác, tuy nhiên Symbian của Nokia vẫn tiếp tục nắm giữ 1 thị phần đáng kể tại Việt Nam.
Theo nhận định, thị trường smartphone Việt Nam hiện nay đang có sự vận động rất giống với xu hướng trên thị trường smartphone thế giới. Symbian vẫn thuộc “top” đầu về số lượng máy nhưng lượng bán ra liên tục giảm, iOS có số lượng rất lớn nhưng tốc độ tăng trưởng đang chững lại, Android thì tăng tốc phi mã nhưng còn cần thời gian dài nữa mới đuổi kịp iOS, Windows Mobile đã qua thời đỉnh cao. Trong tương lai gần, iPhone vẫn sẽ là chuẩn mực smartphone ở Việt Nam nhưng Android sẽ dần khẳng định vị thế của mình và sẽ dẫn đầu về số lượng thiết bị trong 2-3 năm tới. Tóm lại, hiện tại là của iOS còn tương lai sẽ thuộc về Android.
Ý kiến bạn đọc