Thông tin khoa học kỹ thuật
1. Sử dụng thuốc kháng sinh làm cho lợn kháng thuốc
Cho đến nay khoa học vẫn chưa biết chính xác tác dụng của thuốc kháng sinh đến sức khỏe gia súc, gia cầm nhưng tác hại của nó thì con người đã hiểu. Mới đây, các chuyên gia ở ĐH Michigan và Trung tâm Nghiên cứu Thuốc kháng sinh ở động vật của Mỹ đã kết thúc nghiên cứu và phát hiện thấy thuốc kháng sinh làm tăng các gen kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đường ruột ở lợn, cả về số lượng lẫn mức hoạt hóa. Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi còn làm tăng khuẩn E.Coli trong hệ tiêu hóa của lợn và nhiều tác hại khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, cũng qua nghiên cứu các nhà khoa học còn phát hiện thấy, các gen vi sinh khi kết hợp với năng lượng của khuẩn đã làm tăng sức đề kháng cũng như khả năng sinh trưởng của lợn.
2. Tìm thấy gen "nuôi dưỡng" trong cây ngô
Nhóm chuyên gia ở ĐH Warwick, ĐH Oxford và Công ty sinh học Biogemma của Mỹ (gọi chung là nhóm đề tài) vừa hoàn thành một nghiên cứu dài kỳ và tìm ra một loại gen đặc biệt có tên gen "nuôi dưỡng" trong ngô. Gen này làm nhiệm vụ kiểm soát quá trình vận chuyển dưỡng chất từ thân cây sang hạt và được đặt tên là Meg1 hay còn gọi là gen tối ưu hóa lượng đạm từ cây sang hạt, từ mẹ sang con ở loài ngô. Không giống các loại gen chủ đạo khác, chúng thường được biểu hiện cả nhiễm sắc thể của bố lẫn mẹ nhưng gen Meg1 lại chỉ thể hiện ở các nhiễm sắc thể của mẹ. Hiện tượng lạ của Meg1 được các nhà khoa học đặt tên là hòa đồng, không giới hạn đối với cây trồng và cũng xuất hiện ở cả một số gen của người làm nhiệm vụ kiểm soát nhau thai, cung cấp dưỡng chất của mẹ cho con khi bào thai đang phát triển. Với phát hiện trên giúp khoa học hiểu sâu về cơ chế của gen, tạo ra những sản phẩm hạt có kích thước to hơn, năng suất cao và giàu dưỡng chất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao về lương thực cho nhân loại trong tương lai.
3. Vì sao lại có ớt cay nhiều, cay ít ?
Các chuyên gia ở ĐH Washington Mỹ (OUW) vừa phát hiện ra cơ chế lạ diễn ra ở loài ớt, theo đó trong điều kiện khan hiếm nước giống ớt không cay sản xuất ra lượng hạt gấp đôi giống ớt cay. Đây là cơ chế tự nhiên giúp nó chống lại loài nấm Fusarium fungus. Các loại ớt cay khi trồng trong môi trường khô nếu tưới nhiều nước chúng cũng tạo ra nhiều hạt như ớt không cay, nhưng nấm Fusarium fungus lại ít nguy hiểm. Như vậy, cơ chế kháng nấm của ớt là dựa vào hàm lượng cay (capsaicin) và dùng nó làm cơ chế để tự vệ. Qua nghiên cứu này các nhà khoa học phát hiện thấy vai trò của nước tác động lớn đến hàm lượng cay của ớt. Ví dụ, nếu sẵn nước thì loài ớt cay sẽ giảm hàm lượng cay, nhưng nếu ở vùng khô cằn, ít nước nó sản xuất ít hạt hơn và giúp khoa học sớm tìm giải pháp trị nấm Fusarium fungus để làm tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm của loài ớt.
4. Tìm thấy nguồn gốc đậu nành châu Á
Nhóm chuyên gia nông nghiệp ở ĐH Toronto Mississauga, Canada (UOT) vừa kết thúc một nghiên cứu dài kỳ và công bố trên tạp chí PLoSONE, phát hiện thấy nguồn gốc cây đậu tương hay đậu nành châu Á. Theo nghiên cứu trên, đậu tương có nguồn gốc từ châu Á, với 4 nhóm chính là A và C có nguồn gốc từ vùng Dahecun, Trung Quốc cách đây từ 5.000 đến 5.500 năm; nhóm B có nguồn gốc từ vùng Jiahu, Trung Quốc (khoảng 8.000 năm) còn nhóm D lại có nguồn gốc từ vùng Pyeongevdong, Hàn Quốc cách đây từ 3.200 đến 3.500 năm. Phát hiện trên không giống với kết luận đưa ra trước đây cho rằng đậu tương có nguồn gốc Trung Quốc từ 3.000 đến 5000 năm, riêng đậu tương hoang dã lại có hạt nhỏ hơn đậu tương thuần chủng. Đậu tương là thực phẩm rất gần gũi với người châu Á và là loại cây lương thực xếp hàng thứ 7 thế giới hiện nay cả về diện tích lẫn sản lượng.
Khắc Nam (Theo SD/FO-2-2012)
Ý kiến bạn đọc