Thông tin y dược mới
1. Phát hiện tế bào ung thư trong máu bằng camera
Đến nay đã có rất nhiều phương pháp thử máu đơn giản phát hiện ung thư đã được con người tìm ra nhưng một phương pháp mới vừa được ĐH California (UCLA) tìm ra được xem là đơn giản và hiệu quả. Phát hiện tế bào ung thư trong máu bằng một camera siêu tốc độ 27 picosecond (1 piconsecond = 1 phần nghìn tỷ giây). Đây là phương pháp kết hợp giữa một máy ảnh có tốc độ cực lớn với một kính hiển vi quang học và một phần mềm nên có thể xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng. Nhờ các thiết bị này người ta có thể phát hiện được các tế bào ung thư (CTC) bị vỡ khỏi các khối u ác tính, sau đó lởn vởn trong dòng máu. Phương pháp mới nói trên hiện đang hoàn tất giai đoạn cuối, mở ra triển vọng sáng sủa trong cuộc chiến chống ung thư của nhân loại trong tương lai. Khi một khối u ung thư hình thành trong cơ thể, các tế bào của nó có thể tách ra và hòa vào dòng máu, các CTC đe dọa đến tính mạng con người bởi nó hỗ trợ cho khối u chuyển hóa trên phạm vi toàn cơ thể. Đến nay, việc phát hiện ra các tế bào CTC vô cùng phức tạp, bởi trong máu có rất nhiều tế bào, như tế bào máu đỏ, tế bào máu trắng, các platelet cho đến các hạt cực nhỏ, còn CTC thì chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong số này. Nói ngắn gọn hơn, trong máu có rất nhiều tiếng ồn, tiếng ồn từ tế bào CTC lại rất nhỏ nếu như không có phương pháp phân biệt chính xác. Để phát hiện ra các tế bào ung thư CTC, các chuyên gia ở UCLA đã sử dụng một loại camera hiển vi siêu tốc, có khả năng ghi được hình ảnh ở mức 6 triệu hình/giây hay còn gọi là công nghệ STEAM để ghi lại hình ảnh của mẫu máu. Sau khi chụp sẽ được truyền sang cho máy tính để xử lý và xác định tế bào ung thư. Hiện nay kỹ thuật này đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng và hy vọng sẽ là cứu tính cho người bệnh ung thư trong tương lai không xa.
2. Béo phì khi còn trẻ làm tăng bệnh sỏi mật khi về già
Đó là kết luận của các chuyên gia y tế ở Trung tâm y học Kaiser Permanenta (KPSC) Mỹ sau khi kết thúc nghiên cứu dài kỳ ở 510.000 người, độ tuổi từ 10-19, từ năm 2007. Các nhà khoa học phát hiện thấy khi còn trẻ mắc bệnh béo phì thì khi trưởng thành và cuối đời dễ mắc bệnh sỏi mật. Trong số này các bé gái có tỷ lệ sỏi mật cao từ 6-8 lần so với các bé trai nếu cùng bị béo phì, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật ở cả hai nhóm béo phì cao gấp 2 đến 3 lần so với nhóm trẻ có trọng lượng cơ thể bình thường. Tại Mỹ hiện có trên 20 triệu người lớn mắc bệnh sỏi mật, căn bệnh chỉ gặp ở người trưởng thành nhưng gần đây đang có chiều hướng trẻ hóa do lối sống và ăn uống thiếu cân bằng lại ít vận động. Có tới 7,3% nam và 5,5% nữ ở nhóm tuổi dưới 20 mắc bệnh béo phì. Vì vậy, phát hiện trên giúp cho khoa học biết thêm một nguyên nhân mới để sớm tìm ra thuốc nhằm chặn đứng căn bệnh béo phì.
3. Cha già dễ sinh con tự kỷ và tâm thần phân liệt
Trước đây người ta vẫn có quan niệm cho rằng phụ nữ tuổi cao dễ sinh con bị các chứng bệnh về thần kinh nhưng mới đây, các chuyên gia ở Trung tâm di truyền deCODE Genetic, Iceland đã phát hiện thấy những người cha cao tuổi thường sinh con có tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ và tâm thần phân liệt cao, bởi tuổi tác chính là thủ phạm truyền các đột biến gây bệnh cho đứa trẻ hay còn gọi là đột biến de nove, chứ không phải lỗi tại người mẹ. Đặc biệt, những năm gần đây tỷ lệ mắc 2 căn bệnh này đang có chiều hướng gia tăng đột biến (tỷ lệ mắc bệnh 1/88 ca sinh). Ngược lại, những người mẹ cao tuổi ít gây bệnh thần kinh cho con cái nhưng lại gây ra những ca bất thường về nhiễm sắc thể, nhất là hội chứng Down.
Đột biến de nove là những thay đổi trong ADN, thường xuất hiện trong tế bào trứng hoặc tế bào tinh trùng khi thụ thai, phần lớn vô hại nhưng lại có trường hợp gây bệnh về thần kinh, nhất là tự kỷ và tâm thần phân liệt. Cũng qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy người cha ở độ tuổi trung bình là 20 truyền khoảng 25% các đột biến di truyền mới sang cho con cái, và tăng lên 65% nếu người cha tuổi 40, còn người mẹ truyền sang cho con khoảng 15% đột biến bất kể tuổi tác. Kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu hệ gen hoàn chỉnh của 78 cặp cha - con và mẹ - con. Với kết quả nghiên cứu này cho thấy tuổi sinh con của người cha đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thần kinh cho thế hệ con cái. Vì lý do này, mọi người nên xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái ở giai đoạn sung sức nhất, nhằm tạo ra một thế hệ khỏe mạnh, ít mắc phải những căn bệnh nan y khi trưởng thành.
4. Da trắng không dễ mắc bệnh ung thư da
Nhóm chuyên gia ở ĐH Kehangsaan (Malayxia) và ĐH Oxford, Mỹ vừa phối hợp thực hiện một nghiên cứu và phát hiện thấy da sáng không phải là nguyên nhân làm gia tăng bệnh ung thư da mà lâu nay người ta vẫn quan niệm. Theo nghiên cứu, những người thuộc nộ tộc thiểu số ở Malayxia cũng như những dân tộc ở vùng Đông Á nơi có màu da sáng lại là nơi có tỷ lệ ung thư da thấp hơn so với những người châu Âu. Cho đến nay những gì thuộc về di truyền liên quan đến da khoa học vẫn chưa hiểu cặn kẽ, nhưng nhìn bề ngoài thì màu da của người châu Âu và những người Tây Phi hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt này là do một loại axít amin đơn và do một gen có tên gen đẳng vị (allele) gây nên, còn những người Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) có màu da sáng nhưng lại không có gen allele. Rất có thể là do da của họ nhận được nhiều vitamin D từ khí hậu phương Bắc nên cuối cùng ít bị mắc bệnh ung thư da. Trong thực tế những người da trắng châu Âu có tỷ lệ mắc bệnh ung thư da cao 10-20 lần so với những người dân châu Phi trong khi đó những người Đông Á lại có tỷ lệ melanoma (sắc tố) giống như những người châu Phi. Tất cả những khác biệt này có thể lý giải là do đột biến gen, chứ không phải là do màu da gây bệnh. Qua việc thử 371 mẫu máu của 3 bộ tộc người ở Malayxia, các nhà khoa học phát hiện thấy màu da của con người có quan hệ mật thiết với lịch sử và nó không phải là yếu tố làm tăng bệnh bởi nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, đặc biệt là gen và các đột biến mang tính di truyền.
Khắc Hùng (Theo SD/FC - 8/2012)
Ý kiến bạn đọc