Multimedia Đọc Báo in

Cầu Cần Thơ - nỗi khát khao và kỳ vọng

19:24, 10/04/2010

Cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550m) sẽ chính thức khánh thành vào ngày 24-4-2010. Việc khánh thành cây cầu này sẽ mở ra cơ hội mới về phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhất là thành phố Cần Thơ.

Theo thiết kế, cầu Cần Thơ nằm cách bến phà Hậu Giang khoảng 3,2 km về phía hạ lưu. Toàn tuyến dự án có chiều dài 15,85km, với điểm khởi đầu tại km 2.061 trên quốc lộ 1A nối tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Công trình có tổng kinh phí đầu tư 4.832 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15%). Mặt cầu rộng 23,1m, gồm 4 làn xe ô tô, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m, còn lại là các dải phân cách và kiến trúc an toàn. Nhịp giữa hai trụ tháp chính rộng 550m, bảo đảm cho tàu có trọng tải lớn qua lại. Cầu có tổng cộng 216 dây văng và hai trụ tháp cao 164,8m. Cầu Cần Thơ có quy mô lớn gấp 3 lần so với cầu Mỹ Thuận (bắc qua sông Tiền).
Ngày 25-9-2004, cầu Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng. Ngày 1-8-2007, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu Nhật Bản tổ chức kéo sợi dây văng đầu tiên lên trụ tháp phía bờ Vĩnh Long. Khoảng 9h30 phút ngày 3-10-2009, hợp long cầu Cần Thơ với dầm hợp thép cuối cùng rộng 7m, nặng 85 tấn được nâng lên và chính thức nối liền hai bờ sông Hậu. Như vậy, tính từ thời điểm khởi động dự án (năm 1996) đến nay đã gần 15 năm.

 

Những chiếc phà qua sông Hậu nay đã chính thức đi vào quá khứ, hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa người và phương tiện qua sông trong gần một thế kỷ qua. Theo số liệu thống kê từ Cụm phà Hậu Giang, mỗi ngày có khoảng 50.000 hành khách, 27.000 xe thô sơ, gắn máy và gần 8.000 các loại xe ô tô qua phà Cần Thơ. Vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng người và phương tiện qua sông tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường. Tình trạng kẹt phà hàng giờ vẫn thường xuyên gây lãng phí về thời gian chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa. Theo ước tính, sau khi cầu Cần Thơ đi vào sử dụng sẽ rút ngắn được thời gian khoảng 30 phút so với mỗi chuyến vượt phà trước đây. Mỗi ngày, có thể tiết kiệm được hàng tỷ đồng cho chi phí qua phà và hao tổn hàng hóa. Khi trụ cầu đầu tiên vừa mới nhô lên khỏi mặt nước, rồi những sợi dây văng được kéo lên, mọi người dân ai cũng hướng về chiếc cầu với niềm khao khát, chờ đợi trong mỗi chuyến qua sông. Những cụ già cười mủm mỉm, mắt sáng lên với niềm vui tự hào, mãn nguyện vì biết rằng, vùng đất này rồi sẽ thay da đổi thịt, con cháu mình không còn chịu cảnh lụy phà như xưa nữa. Nghĩ tới cảnh hết phải chen lấn qua phà, ngồi chờ hàng giờ trong mệt mỏi thì ai cũng thở phào, háo hức.
Từ khi cầu Cần Thơ chính thức hợp long, thị trường bất động sản tại khu đô thị Nam Cần Thơ trở nên sôi động. Trước Tết Nguyên đán Canh dần 2010, Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà Cần Thơ bán hết 300 nền nhà tại Khu đô thị tái định cư Phú An chỉ trong 3 ngày. Đây là con số đạt kỷ lục đối với thị trường kinh doanh bất động sản của thành phố Cần Thơ từ trước đến nay. Tại các địa điểm giao dịch nhà đất khác trên địa bàn cũng sôi động không kém, lượng khách từ các tỉnh, thành tìm đến Cần Thơ mua nhà đất ngày càng đông, nhu cầu mua với số lượng lớn. Song song đó, nhiều người dân cũng đang lên kế hoạch, dự tính cho những vụ làm ăn mới, nhất là những hộ nằm dọc hai bên đường dẫn cầu Cần Thơ. Rồi đây, những nhà hàng, khách sạn, quán ăn… sẽ mọc lên san sát, hứa hẹn nhiều khởi sắc cho thành phố trong tương lai.
Cầu Cần Thơ khánh thành sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phía Nam sông Hậu với trên 16 triệu dân. Trong đó, thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long là hai địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này. Mặc khác, cầu Cần Thơ còn là điểm kết nối giữa khu vực ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Cầu Cần Thơ còn mang một ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bởi đây chính là chiếc cầu cuối cùng nằm trên tuyến quốc lộ 1A nối liền Nam Bắc.

Nguyễn Thanh Hoàng


Ý kiến bạn đọc