Multimedia Đọc Báo in

Cư Yang Sin ký sự

10:03, 14/04/2010

Ở độ cao trên dưới 2.500 m, Cư Yang Sin là dãy núi cao nhất phía Nam Tây Nguyên. Cuộc sống của các tộc người bản địa ở lưng chừng núi hoặc thấp hơn, bên các khe suối… đều được bà Mẹ Rừng bao trùm nuôi dưỡng.

Trong các gia đình người Ê đê, từ vùng Cư Pui, Cư Drăm, Yang Tao (huyện Krông Bông) đến người M’nông Gar, M’nông Kuênh sinh sống  dọc theo thung lũng Yang Tao, Bông Krang, hoặc bên triền sông Krông Nô, Krông Na (huyện Lak) luôn hiện hữu hình ảnh của rừng trong cái ăn, cái mặc và trong cả ngôi nhà được làm bằng cây rừng cùng bếp lửa quanh năm ủ khói. Tất cả đã làm nên chân dung đời sống của những con người thuộc về rừng (Phii Brée) Già Y Luôm Kné, người M’nông sống bên con suối Yang Hanh (Cư Drăm-Krông Bông) đã hơn 70 mùa rẫy rồi. Giờ đây trí nhớ của ông đã mờ mịt như cây rừng, nhưng công việc của nhà bao năm qua thì ông vẫn chưa quên. Già thường vào rừng lấy mây, tre về đan lát những giỏ, gùi cho vợ đem bán kiếm sống. Ông bảo đó là nguồn sống của rừng ban cho, không những mây tre, mà cả những sản vật khác như măng, nấm và rau xanh… đều là nguồn sống truyền đời của cư dân ở đây. Trong ngôi nhà có bếp  lửa cháy suốt ngày đêm, ông nói về cuộc sống của dân tộc mình bằng vốn hiểu biết tường tận đến không ngờ. Rằng ngày xưa, những con đường mà chúng ta đi lại dễ dàng như bây giờ chỉ là những lối mòn giữa mênh mông cao nguyên và núi non hiểm trở. Việc sống nhờ những ân huệ của rừng là điều tất yếu. Và cách mà người Ê đê, cũng như người M’nông “ăn rừng” để làm nương rẫy thực ra là việc cầu xin rừng già ban cho nguồn sống tối thiểu. Vì thế mới sinh ra những nghi lễ mùa vụ để tạ ơn rừng và Yàng từ khi tổ tiên họ biết cầm cái xà gạc, cái dùi để chọc tỉa hạt lúa, hạt ngô trên nương rẫy.

 

Những gì mà già Y Luôm nói khiến tôi nhớ lại nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học đã từng nói đến dấu ấn một nền văn minh thảo mộc trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Quả thật giờ đây, điều đó vẫn tiếp tục hiển hiện sinh động trong mỗi nếp nghĩ và cung cách hành xử của cư dân bản địa đối với rừng. Nhà dân tộc học người Pháp – Dam Bo đã đúng khi cho rằng, sự chia cắt địa hình bằng các dãy núi và rừng già là yếu tố tạo nên sự khác biệt gữa các tộc người, khiến đời sống của họ từ thời xa xưa đã có một lối sống riêng, đơn vị riêng rất độc đáo và dĩ nhiên không hề biết đến một trung tâm ngoài nóù. Điều đó càng chính xác hơn khi qua tiếp xúc với cư dân ở lưng chừng núi Cư Yang Sin này, tôi đã nhận ra những khác biệt (được coi như những minh chứng) cho nhận định trên của Dam Bo. Đó là rải rác trên từng độ cao của dãy Cư Yang Sin hùng vĩ, các tộc người Ê đê, M’nông sống tách biệt và theo đó họ sở hữu những hình thức canh tác khác nhau và chia thành nhiều nhánh. Người Ê đê Bih, người M’nông Rlăm sống ven hồ Lak chẳng hạn có thể canh tác lúa nước ngay dưới chân những sườn núi có sông suối chảy ra; và công cụ canh tác của nhóm người này thường đa dạng, có kích cỡ lớn hơn người M’nông Kuênh, M’nông Gar… sống nhờ vào hạt lúa rẫy ở trên cao. Con trai già Y Luôm – Y Đông Ye nói rằng, không những công cụ, phương thức canh tác nông nghiệp khác nhau mà trong sinh họat tinh thần và đời sống tâm linh giữa các  nhóm cư dân cũng không giống nhau. Có thể trải nghiệm điều Y Đông Ye vừa nói qua lễ mừng thọ cho một cụ bà M’nông Kuênh ở buôn Bông Krang- huyện Lak: do đời sống gắn bó với rừng, từ hạt lúa làm ra trên rẫy, cho đến các sản vật tự nhiên như nấm, măng rau, củ quả…nên lễ vật mừng thọ không bao giờ thiếu các thứ này. Và các vật phẩm ấy phải được đem về làm lễ cúng trước kho lúa của gia đình (thường được dựng lên ngay trong rẫy) trước khi rước về nhà chế biến thành thức uống và đồ ăn cho người hưởng thọ. “Công đoạn” ấy có khi diễn ra cả tuần trăng và người nhà được hưởng phúc không được phép cầm đến công cụ nào xâm hại đến rừng. Dường như cách tri ân đó, cùng với phương thức luân canh mùa vụ có luật lệ rõ ràng của các tộc người sống trong rừng đã góp phần làm giàu có tài nguyên Cư Yang Sin từ xưa đến nay.
Giờ đây, cùng với những yếu tố làm nên “văn hóa” giữa con người và rừng thiêng  mà tôi đã bắt gặp trên, trong những câu chuyện cổ được kể từ đời này sang đời khác của các tộc người sống bên dãy Cư Yang Sin vẫn luôn hiện hữu những màu sắc thần linh. Trong đó thần núi là một trong những vị thần có sức ảnh hưởng, chi phối sâu sắc trong đời sống của các tộc người ở đây. Giữa mênh mông rừng, tôi cam đoan nếu ai đó lạc vào sẽ đầy sự ám ảnh, thậm chí cảm thấy bất trắc và hiểm nguy, nhưng đối với “những con người thuộc về rừng- Phii Brée” ấy, họ vẫn tự tại và thản nhiên sống như thể đó là một phần không thể tách rời…

Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc