Multimedia Đọc Báo in

Hồ Tịnh Tâm - thắng cảnh giữa lòng di sản

09:50, 14/04/2010

Trong kinh thành Huế, có rất nhiều hồ nước được hình thành trong quá trình xây dựng, vừa là hệ thống thoát nước chống ngập úng, vừa tạo nên sự cân đối, hài hòa đặc sắc về kiến trúc phong thủy của kinh thành. Theo khảo sát của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thì trong kinh thành có 43 hồ nước lớn nhỏ như: Hoàng Thành, Mộc Đức, Tây Hồ, Tân Bảo, Tân Miếu, Phú Văn, Học Hải, Nhân Hậu, Kim Thủy Trong, Kim Thủy Ngoài… Thế nhưng, nổi tiếng hơn cả là hồ Tịnh Tâm.

Người Huế quen gọi hồ Tịnh Tâm là Hồ Tịnh bởi sự thi vị thơ mộng mà con người tạo dựng nên, cũng như những đặc sản độc nhất vô nhị đã đi vào đời sống dân gian Huế: “Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp/ Đất Hương Cần ngọt quýt, thơm cam…”. Hồ Tịnh Tâm được xây dựng ở phía bắc kinh thành, ngày nay thuộc phường Thuận Lộc, TP Huế, có tổng diện tích 108.000m2, chu vi tường thành bao quanh 1.980m. Trong hồ có ba hòn đảo nhân tạo được xây dựng là đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trên mỗi hòn đảo là các công trình kiến trúc đặc sắc riêng biệt với nhiều chức năng khác nhau. Trên đảo Bồng Lai có điện Bồng Doanh ba gian hai chái, mái trùng diềm, lợp ngói lưu ly, phía tây điện Bồng Doanh có lầu Trừng Luyện và nhà thủy tạ Thanh Tâm là nơi nhà vua và hoàng gia ngắm cảnh tiêu giao thư giãn. Trên đảo Phương Trượng có gác Nam Huân hai tầng, mái lợp ngói hoàng lưu ly, nhà Hạo Nhiên và hiên Dưỡng Tính là nơi để nhà vua nghỉ ngơi tịnh dưỡng.  Trên đảo Doanh Châu có gác Hải Tịnh Niên Phong, sau này có thêm đình Bát Giác, cả đảo Doanh Châu được ví như một hòn non bộ nổi lên trên mặt nước Tịnh Tâm bạt ngàn hoa sen trắng.
Nối liền các đảo với nhau là các cầu và trường lang có mái che như, cầu Lục Liễu, cầu Bồng Doanh, cầu Bích Tảo, cầu Hồng Cừ…Giữa hồ nối hai bờ phía đông và tây là con đê Kim Oanh với rất nhiều nhà thủy tạ, thủy đình để nhà vua dừng chân ngắm cảnh như: nhà tạ Thanh Tước, Khúc Tạ, Hạ Phong…Có thể nói Hồ Tịnh Tâm là công trình kiến trúc đặc sắc, cầu kỳ nhất trong các công trình kiến trúc ngự uyển của cố đô Huế, được xem như một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ tiêu biểu về sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong kiến trúc cảnh quan của nước ta thế kỷ 19.

 

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, hồ Tịnh Tâm nguyên thủy là một nhánh của con sông Kim Long, năm 1805 thời vua Gia Long, sau khi nắn dòng để xây dựng kinh thành để lại một dãy hồ gọi là hồ Ký Tế. Phải đến năm 1822, sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng mới cho cải tạo Hồ Ký Tế thành hai hồ lớn là hồ Học Hải - nơi để thiết lập Tàng Thư Lâu và hồ Tịnh Tâm - nơi xây dựng thành chốn ngự uyển cho nhà vua và hoàng gia. Để tạo nên một danh hồ thắng cảnh bậc nhất đất kinh kỳ,  triều đình nhà Nguyễn đã huy động hơn 8.000 binh lính dưới sự chỉ huy của Đô Thống quân Nguyên Tăng Minh làm việc trong nhiều năm trời mới làm xong.  Sau khi hoàn thành vua Minh Mạng đánh giá hồ Tịnh Tâm là một trong mười thắng cảnh bậc nhất ở Kinh đô. Còn vua Thiệu Trị  trong “Thần kinh nhị thập cảnh” đã xếp hồ Tịnh Tâm là thắng cảnh thứ ba trong 20 thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Phú Xuân – Huế và cảm tác làm bài thơ “Tịnh Hồ mạn hứng”, cho khắc vào tranh gương lưu truyền đến ngày nay.
“…Trong vắt hồ giăng mấy khoảng xa/Thềm soi đáy nước loáng tinh hà/Cây hoa lầu gác nhường tiên cảnh/Đất nước non sông thuộc mọi nhà/Quạt chúa đề suông trời mát mẻ/Đàn vua tiếng ngọt nhập thơ ca/Lâng lâng nhân trí tình sâu rộng/Cảnh sắc yêu người chớ bỏ qua…”
Ngoài cảnh đẹp làm say đắm lòng người, hồ Tịnh Tâm còn được nhiều người biết đến với một đặc sản có một không hai của cố đô, đó là hạt sen. Sen hồ Tịnh nổi tiếng thơm ngon, không nơi nào sánh được đã góp phần làm nên những thương hiệu ẩm thực đặc sắc của Huế như chè sen, cơm sen, trà sen, mứt sen - những đặc sản một thời chỉ dành để tiến cung.
Ngày nay, Hồ Tịnh Tâm không còn “vàng son một thuở” như xưa, bởi nhiều công trình kiến trúc hư hại, trở thành phế tích do sự biến thiên của lịch sử , sự tàn phá khắc nghiệt của thời tiết khí hậu miền Trung. Nhưng nhờ sự nỗ lực của các cấp ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô, nhiều dự án phục hồi tôn tạo danh thắng hồ Tịnh Tâm đã được triển khai trong thời gian qua như: nạo vét lòng hồ, khôi phục hệ thống cấp thoát nước, phục chế lần lượt các công trình kiến trúc quan trọng… đang từng bước làm sống lại thắng cảnh đặc sắc của cố đô. Đặc biệt từ kỳ Festival Huế 2004 đến nay, sau khi được trùng tu tôn tạo, hồ Tịnh Tâm luôn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước bởi sự quyến rũ đặc sắc của không gian kiến trúc cảnh quan thơ mộng, non nước hữu tình ngay giữa lòng di sản Cố đô Huế.

Ngô Minh Thuyên

 


Ý kiến bạn đọc