Thành cổ Hà Nội xứng tầm Di sản Văn hóa thế giới
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Di tích gắn với lịch sử của quốc đô Thăng Long và tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau khi lên ngôi sáng lập triều Lý, năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Sau khi chọn Thăng Long làm nơi định đô, các vua nhà Lý và sau đó là nhà Trần, nhà Lê đã cho xây dựng hệ thống thành lũy tại đây.
Ngoài những di tích trên mặt đất là Kỳ Đài, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, nhà - hầm D67 và tường bao cùng 8 cổng hành cung, năm 2002 cuộc khai quật khảo cổ do Viện Khảo cổ tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã phát lộ một quần thể bao gồm nhiều loại hình di tích kiến trúc dưới lòng đất. Những hiện vật được khai quật đã chứng minh rằng, Thăng Long – Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam trong suốt mười thế kỷ.
Kỳ Đài còn gọi là Cột Cờ, là dấu tích còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, được xây dựng năm 1805-1812 trên vị trí của Tam Môn, cổng phía ngoài của Cấm thành thời Lê (thế kỷ 15-17). Kỳ Đài cao hơn 40m gồm thân trụ hình bát giác, lầu nóc để dựng cột cờ, xây trên bệ tam cấp đồ sộ.
Đoan Môn là cổng chính phía Nam để vào bên trong Cấm thành. Đoan Môn có niên đại thời Lê (thế kỷ 15), được xây bằng đá và gạch vồ, có chiều cao là 6m. Cổng có 5 cửa vòm, cửa chính giữa có gắn một phiến đá khắc chữ Đoan Môn. Dưới lòng đất Đoan Môn, cuộc khai quật khảo cổ học năm 1999 đã tìm thấy dấu tích đường viền đá lát chân tường và sân gạch từ thời Lê, dấu tích con đường lát gạch hình hoa chanh thời Trần và nền gạch thời Lý ở lớp dưới cùng.
Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 trên vị trí của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý - Trần (thế kỷ 11-14). Hiện nay chỉ còn nền cũ và hai thềm rồng đá.
Nhà và hầm D67 ở phía Bắc của nền điện Kính Thiên, là trung tâm Sở chỉ huy của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh 1954-1975, trong đó có phòng làm việc và phòng nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng nổi tiếng nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh của Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra một số cuộc họp của lãnh đạo quân sự cao nhất đưa ra các quyết sách về chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công chúa hay Pagode des Dames (Chùa Các bà), là công trình được xây dựng muộn hơn (1821) so với các di tích nằm trên trục trung tâm của Thành Hà Nội. Ban đầu được sử dụng vào mục đích tôn giáo (thờ Phật). Cuối thế kỷ 19 Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, người Pháp đã cải tạo xây dựng lại như hiện nay. Tại đây, năm 1998, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hiện vật có niên đại từ thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 20. Tại độ sâu 3,2m đã tìm thấy dấu tích bến nước thời Lê sơ được xây dựng bằng gạch và đá chân tảng hoa sen từng được dùng để đỡ các cột gỗ thời Lý, Trần và rất nhiều đồ gốm sứ trắng mỏng - đồ ngự dụng - thời Lê sơ.
Cột cờ Hà Nội (Ảnh: T.L) |
Bắc Môn là cổng thành phía Bắc, một trong 5 cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, xây dựng năm 1805. Cổng thành được xây bằng gạch với vòm bằng đá, giữa cửa có tấm biển đá ghi 3 chữ Hán “Chính Bắc Môn”, diềm biển trang trí hoa dây. Trên cổng thành hiện nay thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuẫn tiết theo thành Hà Nội.
Năm 1805, khi xây thành Hà Nội theo kiểu Vauban, nhà Nguyễn đã xây tường bao từ cửa Đoan Môn quanh nội điện làm Hành cung để vua làm việc và nghỉ ngơi mỗi khi Bắc tuần. Hiện nay, trong Thành cổ còn 8 cổng và các cổng này đã được nhà nước bảo hộ Pháp liệt hạng năm 1925.
Chính khuôn viên này từ năm 1954 - 2004 là vị trí cơ quan đầu não chiến lược, khu A sở chỉ huy Bộ Quốc phòng.
Năm 2002-2003, một cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Tại đây đã phát hiện được rất nhiều loại hình di tích kiến trúc và di vật có niên đại cách nay 1.300 năm, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỷ 7-9) qua các thời Đinh - tiền Lê (thế kỷ 10), thời Lý (1009 - 1225), Trần (1226-1400), Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527-1592), Lê Trung Hưng (1592-1789) và Nguyễn (1802-1945).
Trên thế giới rất hiếm có Thủ đô một nước mà trong lòng đất còn bảo tồn được một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu dài và có các tầng văn hóa chồng xếp, nối tiếp nhau một cách khá liên tục như thế. Tổng Giám đốc Ủy ban Văn hóa – Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO), ông Koichiro Matsura, khi đến tham quan khu di tích tháng 7-2005 đã đánh giá rằng: Đây là khu di tích độc đáo, có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới.
Hiện, hồ sơ lý lịch Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được hoàn thiện trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thành viên hội đồng UNESCO thế giới cho biết dự kiến tháng 10-2010, UNESCO sẽ có quyết định công nhận Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới, đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc