Multimedia Đọc Báo in

Gò Tháp hoang sơ mà quyến rũ

15:21, 21/05/2010

Khu du lịch Gò Tháp thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Thời Pháp thuộc, địa điểm này thuộc ấp Tháp Mười, làng Mỹ Tho, tổng Phong Nẫm, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Di tích này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử khảo cổ vào năm 1989.

Gò Tháp là một giồng đất cao hơn mặt ruộng từ 2-3m, trên mặt gò có nhiều cây cối râm mát. Gò dài cả nghìn mét nhưng bề rộng thay đổi từ 300 – 600m. Trên gò đã phát hiện nhiều mảnh gạch, đá kiến trúc cùng những mảnh vỡ của tượng và đồ gốm thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo. Theo các nhà khảo cổ, từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ VI sau Công nguyên, ở đây tồn tại một trung tâm tôn giáo với nhiều đền tháp. Có thể, đến thế kỷ thứ XVII-XVIII, khi những lưu dân đầu tiên người Việt đặt chân tới đây, những dấu tích đền, tháp này vẫn còn và nơi này mới có tên Gò Tháp hay Đồng Tháp Mười.
Trước năm 1864, người ta chỉ gọi Gò Tháp là Vãng Tháp (tháp cổ bị lãng quên). Tên Tháp Mười bắt đầu trở nên nổi tiếng từ năm 1866, khi nơi đây trở thành đại bản doanh của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Trương Định, Đốc Binh Kiều… dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp. Thời chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp và các vùng phụ cận là địa bàn cư trú của nhiều cơ quan kháng chiến hành chính Nam Bộ, Khu Tám, Tỉnh ủy Tân An, Mỹ Tho, Long Châu Sa… và sau đó còn in dấu chân hoạt động cách mạng của các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà…

Chùa Tháp Linh (Ảnh: T.L)
Chùa Tháp Linh (Ảnh: T.L)

Khu Gò Tháp tập trung nhiều di tích theo thứ tự từ hướng tây nam lên đông bắc như Gò Tháp Mười, Tháp Mười cổ tự, đền thờ Thiên Hộ Dương – Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Hằng năm, tại di tích này diễn ra hai kỳ lễ hội truyền thống dân gian: Lễ hội rằm tháng 3 âm lịch vía Bà Chúa Xứ và rằm tháng 11 âm lịch tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Võ Duy Dương và Đốc Binh Kiều, thu hút hàng vạn lượt khách hành hương.
Theo dòng người hành hương, khách thường viếng chùa Tháp Linh uy nguy và bề thế, cách gò chừng 100m. Theo dân gian, chùa trước kia có tên là Tháp Mười cổ tự, tọa lạc tại đỉnh Gò, xưa hơn nữa là chùa thờ thần LocKecvera, người Việt gọi là Quan Thế Âm Bồ Tát. Còn đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều trước đây chỉ dựng đơn sơ bằng gỗ lợp ngói, đến năm 1993 mới xây dựng lại bề thế như hiện nay để thờ chung hai vị. Trong đền có treo nhiều câu đối, trong đó có câu:
“Sử xanh sáng chói danh Thiên Hộ
Bia miệng lưu truyền tiếng Đốc Binh”
Phía sau đền thờ là mộ của Đốc Binh Kiều được nhân dân Đồng Tháp chăm sóc, khói hương quanh năm và được nhắc nhở qua câu ca:
“Ai về Đồng Tháp mà coi
Mả quan lớn Thượng trăng soi lạnh lùng”
Miếu Bà Chúa xứ thì mới được xây dựng lại từ năm 1984 ở gần đền thờ hai vị anh hùng dân tộc trông rất khang trang và bề thế. Theo tâm thức nông dân Nam Bộ, Bà Chúa Xứ là chủ cũ của xứ sở này và được thờ dưới dạng phúc thần cầu gì được nấy.
Hiện nay, khu du lịch văn hóa – lịch sử Gò Tháp có diện tích 320 ha được phân thành các khu chức năng như: Khu trung tâm bảo tồn, khu văn hóa lễ hội và du lịch, khu văn hóa lịch sử, khu du lịch sinh thái. Trong tương lai, Gò Tháp sẽ trở thành điểm tham quan, nghiên cứu và du lịch đầy hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp.

Côn Giang


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Về với Xẻo Quýt
16:19, 18/05/2010
Về với Xẻo Quýt
16:19, 18/05/2010
Làm món với mít
14:28, 16/05/2010
Làm món với mít
14:28, 16/05/2010