Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội đền Hai Bà Trưng

14:24, 04/06/2010

 

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Đồng Nhân nằm trên địa bàn phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hội đền Hai Bà Trưng
Hội đền Hai Bà Trưng

Tương truyền, sau khi trầm mình trên dòng Hát Giang, Hai Bà Trưng đã hóa thành tượng đá trôi trên dòng nước. Lúc tượng trôi đến vùng Đồng Nhân thì tượng phát ánh sáng rực rỡ làm cho dân làng Đồng Nhân hết sức kinh dị, liền làm lễ đón rước tượng Hai Bà vào. Tượng bằng đá cao một thước, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp. Vua Lý Anh Tông được tin bèn truyền chỉ cho dân làng dựng đền thờ tượng Hai Bà. Đó là năm Đại Định thứ ba (1142).
Vào năm Gia Long thứ 18 (1819), khi bãi sông Hồng bị xói lở, nhà vua cho lấy đất Võ Miếu thuộc thôn Hương Viên (phố Đồng Nhân) làm nền đền gọi là Trưng Vương điện. Đền Hai Bà Trưng nằm trên khoảnh đất rộng 6 mẫu, trước đền có hồ bán nguyệt thoáng rộng, có những cây đa cổ thụ sum suê tán lá, có bia đá Trưng Vương do tiến sĩ Vũ Tông Phan biên soạn.
Đền Đồng Nhân hay đền Hai Bà Trưng được xây theo quy cách: trước đền là hồ, hàng cột cổng vào sân rộng, tiếp đến là nhà tiền tế, sau cùng là hậu cung. Các di vật quý còn lưu giữ là hai pho tượng bà Trưng Trắc, Trưng Nhị bằng đá, hai bên là 12 pho tượng nữ, tương truyền đó là các nữ tướng của Hai Bà. Trong đền còn có hai thớt voi gỗ to được gắn cặp ngà voi thật do vua Lý ban tặng. Đặc biệt trong đền còn nhiều câu đối hay vẫn còn lưu giữ qua các đời.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân, Hà Nội được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 8-2 âm lịch hằng năm. Đền làm lễ nhập tịch và mở cửa đón khách bắt đầu từ sáng mồng 4. Ngày mồng 5 là chính hội có lễ tắm tượng, lễ tế và múa đền. Ngay từ sáng mồng 5, cờ quạt được chăng ra, kiệu được đặt trước sân đền, cờ lọng rực rỡ, đồ tế khí uy nghi… Chủ lễ cùng các chức sắc, bô lão đã tề tựu đông đủ để bắt đầu rước kiệu ra bờ sông Hồng, nơi có ngôi đền gốc. Cuộc rước đông vui, đi đầu là đôi voi gỗ dẹp đường. Các tay kiệu được chọn từ các cô gái ở hai làng Đồng Nhân và Phụng Công phía bên kia sông. Khi kiệu ra tới dòng nước sạch, các cụ tắm tượng. Xong, thuyền quay vào bờ để rước tượng trở về. Suốt dọc đường, đám rước diễu qua các phố, các thôn xóm có đặt hương án bái vọng tới đền. Khi thánh giá yên vị rồi thì cuộc tế bắt đầu. Năm phong đăng hòa cốc làng cử chọn các bà, các chị theo chuẩn mực đạo đức, không tang chế, để tế nữ quan.
Sau phần chính là đến nghi thức múa đèn theo nhịp trống con đĩ đánh bồng. Đây là tiết mục đặc sắc và tươi vui nhất của lễ hội. Tốp múa đèn gồm 12 cô gái đẹp tuổi thanh xuân, tầm vóc như nhau, đã được tập luyện thành thục. Nữ vũ công mặc áo dài đen, quần hồng, thắt lưng đỏ ngoài áo buộc nút cạnh sườn, đầu chít khăn lụa màu. Đèn là những chiếc đài bằng nến thắp sáng cắm giữa lòng đài. Mỗi người cầm hai đèn ở hai tay xếp hàng đôi trước hương án. Điệu múa uyển chuyển theo tiếng trống cơm nhịp nhàng, vừa đi vừa múa, đan xen, uyển chuyển trông ngoạn mục.
Đến mồng 7 thì rã đám, có tế và lễ dâng hương để kết thúc.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân là một trong những lễ hội lớn ở kinh thành Thăng Long. Nhân dân thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tưng bừng trong không khí hội hè mùa xuân để tưởng nhớ đến hai vị Nữ Vương đầu tiên của nước ta, hai vị nữ anh hùng giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ ngoại bang. Hai Bà Trưng được tôn vinh là vua, là thánh, là mẫu và là hai nhân vật lịch sử đầu tiên trở thành thần nhân đất Việt…
Nguyễn Nhân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.