Văn Miếu Trấn Biên - hồn thiêng hào khí
Văn Miếu Trấn Biên xưa là một công trình văn hóa lớn của người Việt vùng Nam Bộ. Sau Văn Miếu Quốc Tử Giám (Thăng Long), Văn Miếu Trấn Biên là biểu tưởng của truyền thống hiếu học và trọng dụng nhân tài của dân tộc Việt Nam.
Năm 1698, khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, xác lập nền hành chính của vùng đất mới phương Nam thì nền kinh tế ở vùng đất này đã phát triển khá trù phú. Trung tâm của hoạt động giao lưu kinh tế ở đây là thương cảng Nông Nại Đại Phố. Kinh tế phát triển, kéo theo nhu cầu về văn hóa, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho vùng đất mới. Đó là cơ sở để hình thành khái niệm học hiệu ở đất phương Nam. Sau 17 năm xác lập cương thể quốc gia, vào năm 1715, Chúa Nguyễn Phúc Chu hạ lệnh cho Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức tiến hành xây dựng Văn Miếu Trấn Biên, đặt tại Bình Thành, Tân Lại, huyện Phước Khánh, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Địa thế của Văn Miếu phía nam nhìn ra sông Phước, phía bắc dựa vào núi Long Sơn (đầu gối sơn, chân đạp thủy). Vào năm Giáp Dần (1794), Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng thêm điện Đại Thành và điện Khải Thánh cùng với Thần Khố. Tả, hữu có Kim Thanh môn, Ngọc Chấn môn; ở cung điện có Khuê Văn Các; lầu treo trống, chuông; hai bên là nhị đường Sùng văn, Dụng lễ. Mỗi năm hai lần, chúa Nguyễn và các quan Khâm Sai, Đại thần đến đây tế lễ.
Từ trên tầng cao Khuê Văn Các nhìn xuống hồ Thiên Tịnh Quang, phía sau cửa Tam Quan, nhà bia và nhà thờ chính. (Ảnh: T.L) |
Văn Miếu Trấn Biên là Văn Miếu đầu tiên và lớn nhất được xây dựng tại vùng đất phương Nam, nối tiếp và phát huy nền quốc học Đại Việt. Người Nam bộ kính trọng coi đây là Văn Thánh Miếu – nơi không chỉ chờ Khổng Tử, Văn Xương, Đế quân theo quan điểm Nho học của nhà nước phong kiến và quan niệm của dân gian Việt Nam, mà còn là nơi thờ phụng các bậc vĩ nhân hiền tài, danh nhân tiêu biểu về văn hóa – giáo dục dưới hình thức tín ngưỡng. Gắn liền với Văn Miếu Trấn Biên là một nền văn hóa – giáo dục phát triển không ngừng. Trên nền tảng ấy đã sản sinh ra những tên tuổi làm rạng rỡ vùng đất phương Nam như: Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Nguyễn Đình Chiểu…
Năm 1861, khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, chúng đã tàn phá Văn Miếu Trấn Biên đến mức không còn lại dấu vết, với ý đồ nhằm triệt tiêu tinh thần yêu nước của sỹ phu và nhân dân Nam Bộ, thực hiện chính sách ngu dân để cai trị lâu dài, triệt tiêu nguyên khí quốc gia. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, trọng tâm thức con người Nam Bộ, văn miếu Trấn Biên vẫn luôn luôn tồn tại như một biểu tượng văn hóa – giáo dục, tôn vinh đạo học và hồn thiêng hào khí tự bao đời.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại theo phương thức phỏng chế tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Dựa vào những mô tả trong các tư liệu lịch sử: “Gia Định thành thông chí”, “Đại Nam nhất thống chí”…, mô hình Văn Miếu Trấn Biên được phỏng dựng lại với sự đóng góp công sức của các nhà khoa học lịch sử, văn hóa, kiến trúc sư… cả nước. Với phương châm bảo đảm sát với hiện thực lịch sử, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại với kiến trúc cổ kính, gồm 2 khu: một khu trang nghiêm để thờ phụng, tế lễ; một khu trưng bày truyền thống và sinh hoạt văn hóa. Từ ngoài vào là Văn Miếu môn, đến nhà bia, Khuê Văn Các, Thiên Quang Tĩnh (Nghiên trì), cổng tam quan, nhà bia thờ Khổng Tử và cuối cùng là Bái đường chính. Công trình được xây dựng trên vùng đồi cao ráo, với diện tích xây dựng 20.000 m2, nằm trong khuôn viên khu du lịch Bửu Long. Cảnh quan xung quanh Văn Miếu được tái tạo theo sử sách xưa: “Trăm hoa tươi tốt, có rừng cây tùng, vườn cam, quýt, chuối…”.
Văn Miếu mở cửa hằng ngày đón khách du lịch. Riêng các ngày lễ, tết, Văn Miếu là nơi tôn vinh những giá trị văn hóa – giáo dục của nhân dân Nam Bộ. Những tập thể, đơn vị, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu Nhà nước, học hàm, học vị cấp giáo sư, tiến sĩ, hoặc giải thưởng quốc tế, Nhà nước… sẽ được biểu dương, ghi danh trong bảng vàng Văn Miếu. Các cuộc hội thảo khoa học, lễ hội dân gian của các dân tộc… cũng được tổ chức tại đây.
Tại Văn Miếu Trấn Biên, hiện đã an vị một số hiện vật thiêng liêng: Tượng Bác Hồ bằng đồng (do Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân tặng); 18 kg đất và 18 lít nước từ đền Vua Hùng do tỉnh Phú Thọ chuyển đến; một chiếc trống lớn và hệ thống bia Tiến sĩ phục chế được chuyển về từ Văn Miếu Quốc Tử Giám. Việc phỏng chế và xây dựng Văn Miếu Trấn Biên – một biểu trưng cho tâm hồn, hào khí Nam Bộ, được tiếp nối từ Văn Miếu Quốc tử Giám (Thăng Long) là một sự kiện văn hóa lớn, gắn liền giữa đời sống hiện tại với cội nguồn lịch sử của vùng đất Nam Bộ.
Ý kiến bạn đọc