Multimedia Đọc Báo in

Ghi trên đất Chùa Tháp

17:56, 30/08/2010

Cuối tháng 7-2010 vừa qua, Đoàn cán bộ báo chí  Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Campuchia. Một tuần thăm và làm việc với nhiều nơi trên đất nước Chùa Tháp, một đất nước vốn có quan hệ lâu đời với Việt Nam đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng…

Thân thiện và cởi mở
Một trong những ấn tượng nhất của chúng tôi là sự thân thiện, cởi mở của mỗi cán bộ, người dân Campuchia khi tiếp và làm việc với đoàn. Mỗi lời nói, cử chỉ của bạn đều thể hiện mối quan hệ láng giềng và tình hữu nghị thủy chung giữa hai nước vẫn không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.

Ngay từ khi đặt chân đến lãnh thổ của bạn, chúng tôi đã được tiếp đón rất nồng hậu. Đón đoàn chúng tôi tại Sân bay Po Cheng Tong (thủ đô PhnomPenh), ngoài nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia còn có  Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thông tin và Nghe nhìn (Bộ Thông tin Campuchia) Ly Van Hong. Bằng những cái bắt tay rất chặt cùng nụ cười thân thiện: Việt Nam-Campuchia sa-ma-khi (Việt Nam-Campuchia đoàn kết), Tổng Cục trưởng Ly Van Hong trò chuyện với chúng tôi hoàn toàn bằng tiếng Việt nên khoảng cách chủ-khách như gần lại. Chúng tôi cũng đã được ngài Khieu Kanharith, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia tiếp và có buổi làm việc thân mật. Tại đây, ngoài việc được cung cấp một cái nhìn tổng thể về hoạt động báo chí của nước bạn, chúng tôi còn được Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia “ôn” lại truyền thống tốt đẹp của 2 đất nước trong các lĩnh vực nói chung, lĩnh vực báo chí tuyên truyền nói riêng trong những năm qua. Trong câu chuyện, ngài Bộ trưởng không ngớt lời cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam. Không chỉ là sự giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, Việt Nam còn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo Campuchia sang thăm. Qua những tác phẩm báo chí sau mỗi chuyến thăm của các nhà báo Campuchia (có cả nhà báo của đảng đối lập), nhân dân Campuchia thêm hiểu hơn đất nước, con người, đặc biệt là chính sách đoàn kết của Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến công tác, chúng tôi còn được thăm và làm việc với nhiều cơ quan báo chí của Campuchia như: Thông tấn xã Campuchia (AKP), Đài Truyền hình quốc gia (TVK), Đài Phát thanh quốc gia (RNK), Tòa soạn Báo Rasmei Campuchia… Ở nơi nào chúng tôi cũng nhận được sự tiếp đón thân tình, nồng hậu. Đặc biệt, rất nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí của Campuchia là những người từng có thời gian sống, chiến đấu với bộ đội tình nguyện Việt Nam hoặc từng học tập, công tác tại Việt Nam nên sử dụng khá thành thạo tiếng Việt. Trong mỗi câu chuyện, họ luôn tranh thủ sử dụng tiếng Việt như muốn giúp chúng tôi đỡ vất vả hơn khi phải nghe qua phiên dịch.

Còn rất nhiều câu chuyện thể hiện sự thân thiện, cởi mở của bạn. Ví như chuyện Bộ Trưởng Bộ Thông tin Khieu Kanharith sẵn sàng dành thời gian trò chuyện riêng với chúng tôi về sự hợp tác báo chí của 2 nước trong thời gian qua; Tổng Cục trưởng Ly Van Hong “sưu tầm” cho chúng tôi hàng loạt quán ăn mang hương vị Việt; lãnh đạo Bộ Thông tin cử cán bộ “túc trực” bên đoàn để kịp thời giúp đỡ khi đoàn có nhu cầu, đồng thời bố trí người phiên dịch cho đoàn là người gốc Việt Nam...

Đường vào Angkor Thom.
Đường vào Angkor Thom.


Angkor: Bí ẩn và choáng ngợp
Angkor Wat, còn có tên tiếng Việt là đền Đế Thiên, còn Angkor Thom thì được gọi là đền Đế Thích. Cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. Angkor là một trong các di tích nổi tiếng bậc nhất ở Campuchia, được xem là tuyệt tác của nghệ thuật và kiến trúc Khmer. Quần thể Angkor rộng chừng 55 km2 với hàng trăm đền thờ được xây dựng toàn bằng đá, là một trong bảy kỳ quan vĩ đại của thế giới, là quần thể đền đài đồ sộ nổi tiếng thế giới mà các vị vua Khmer đã cho xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15. Có không ít sách báo, công trình khoa học nói về các kiến trúc này. Vậy mà khi đến tham quan Angkor, trong tôi tràn ngập một cảm giác choáng ngợp, dường như khi đứng trước Angkor, mọi ngôn ngữ đều trở nên bất lực bởi sự đồ sộ và lối kiến trúc tinh xảo của nó.

Angkor Wat, thờ thần Vishnu, đền thờ duy nhất với cổng chính hướng tây có chu vi gần 6 km (hình chữ nhật, một cạnh 1,5 km và một cạnh 1,3 km). Đền thờ này cao 3 tầng với 5 ngọn tháp (ngọn chính cao 65mét) biểu tượng cho núi Meru; không một tấc vuông nào ở đây không có những đường nét của điêu khắc. Chỉ riêng hành lang phù điêu ở tầng 1 cũng dài hơn 1.000 mét, cao hơn 3 mét với hình tượng hàng chục ngàn nhân vật, cây cỏ theo sử thi Ramayana, Mahabharata cùng nhiều sự tích khác được khắc trên đá. Còn Angkor Thom, theo các học giả là thành phố kinh đô lâu đời nhất và cũng là cuối cùng của Vương quốc Khmer được Vua Jayavarman xây dựng vào cuối thế kỷ 12, sau khi đánh đuổi được quân Chiêm Thành và bắt tay vào tái thiết một đất nước hùng cường. Angkor Thom có chu vi tường thành đến 12 km và nhiều đền thờ như Baphoun, Phimeanakas, sân Voi, quảng trường Chiến Thắng... Angkor Thom có 5 cổng thành, gồm 4 cổng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc) và 1 cổng phụ hướng Nam (gọi là cổng ma). Thông thường chỉ sử dụng các cổng chính; cổng ma được xem là cửa tử chỉ dành cho người chết hoặc cho sự thất bại. Tâm điểm của Angkor Thom là Bayon với 54 tượng thần Brahma (Thần sáng tạo) tượng trưng cho 54 tỉnh thành của Đế chế Khmer lúc bấy giờ, mỗi tượng cao từ 24-42m, tạc theo Phật thoại, mỗi khuôn mặt là một nét riêng. Ngày nay chỉ còn 37 tháp còn tương đối nguyên vẹn. Cấu trúc của Bayon gồm 3 tầng, hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng ba được sắp xếp theo vòng tròn với những ngọn tháp hình 4 mặt người nhìn ra 4 hướng.

Điêu khắc Angkor được xem là tuyệt đỉnh tinh xảo. Đã có nhiều kiến giải được đưa ra nhưng đều không thuyết phục. Điêu khắc xong mới ráp phải cực kỳ chính xác, quá trình vận chuyển sẽ rất khó khăn, dễ sứt mẻ, khó mà thực hiện được. Ráp rồi mới điêu khắc thì quá trình điêu khắc có thể xảy ra chấn động gây đổ tháp, hơn nữa nằm ngửa trên tường làm sao đục đẽo được?... Kiến trúc cũng không thể lý giải được. Làm cách nào vận chuyển hàng triệu tấn đá cách xa hàng chục ki-lô-mét tới nơi xây dựng; đưa các khối đá hàng chục tấn (khối đá nặng nhất nặng 65 tấn) lên cao hàng chục mét để điêu khắc và lợp những tảng đá nặng hàng trăm ki-lô-gam chồng lên nhau làm mái mà không cần đòn tay hay chất kết dính nhưng vẫn khít cả trong lẫn ngoài, nhiều nơi không thể nhìn ra chỗ ghép?...

Nhìn tổng thể, quần thể Angkor là một tác phẩm điêu khắc vĩ đại, nó tinh tế đến từng chi tiết nhỏ nhất và đậm đà bản sắc văn hóa Khmer. Bất kỳ ở đâu, từ chân tường rào cho đến mái lợp, chúng ta đều bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên đá. Các họa tiết thể hiện những niềm tin tín ngưỡng, những truyền thuyết Phật giáo hoặc dân gian và cả những quan hệ quốc tế, quân sự, kinh tế... của đất nước Campuchia thời kỳ một ngàn năm trước. Có thể nói rằng, đây là một pho sử liệu đồ sộ của đất nước Campuchia. Nhìn vào đó, một ngàn năm sau người ta vẫn có thể dễ dàng hiểu được đời sống của người dân cách đây cả ngàn năm về trước.

“Việt Nam - Campuchia sa-ma-khi”
Trong suốt thời gian thăm và làm việc trên nước bạn, câu nói được chúng tôi nghe nhiều nhất là “Việt Nam-Campuchia sa-ma-khi” (Việt Nam-Campuchia đoàn kết). Anh Navy, người đã từng một thời “kề vai sát cánh” với bộ đội Việt Nam đánh đuổi quân Pôn Pốt, nay là hướng dẫn viên du lịch, cho biết, đây là câu nói luôn được nhắc đến của những người con đất nước Chùa Tháp, chỉ dành riêng cho người Việt Nam anh em như để nhắc lại những tình cảm quý báu, không gì có thể làm phai mờ mà dân tộc Việt Nam đã dành cho đất nước, con người Campuchia trong suốt thời gian qua.

Ông H.E Thach Phen, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh quốc gia Campuchia (RNK) nhớ lại: Trong thời gian từ sau ngày 17-4-1975 tới ngày 7-1-1979, nhân dân Campuchia đã rơi vào thảm họa diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Chế độ tàn bạo này đã phá hủy cả kiến trúc thượng tầng lẫn hạ tầng cơ sở. Hàng triệu người Campuchia đã bị giết hại thảm thương. Không có tự do, không có nhân quyền và không có đạo đức mà chỉ có máu và nước mắt ở khắp mọi nơi trên khắp đất nước Campuchia. Trong tình cảnh cực kỳ nghiêm trọng này, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã đứng lên lãnh đạo cuộc đấu tranh để giành tự do và sự tồn tại của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia và sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã đứng lên lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia, mở ra thời kỳ mới cho đất nước và nhân dân Campuchia. Mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn giúp đỡ, hợp tác với Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, Nhà nước và nhân dân Campuchia theo phương châm: Thuận lợi nhường cho bạn, khó khăn nguy hiểm thuộc về mình, cùng với bạn xây dựng từ không đến có, với tinh thần quốc tế cao cả, với tình nghĩa anh em thủy chung. Câu cửa miệng  “Việt Nam-Campuchia sa-ma-khi” được sử dụng nhằm để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi đối với quân và dân Việt Nam, đồng thời mong muốn mối quan hệ thủy chung giữa hai dân tộc ngày một bền chặt hơn. 

Ngày nay, Campuchia đã và đang phát triển mạnh mẽ. Với chính sách đối ngoại tích cực, tăng cường hội nhập, Campuchia đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức lớn ở khu vực và thế giới. Khắp đất nước, hàng loạt công trình xây dựng nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, trụ sở làm việc... của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang thi công hối hả.

 

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc