Bãi biển Trà Cổ
Trà cổ nằm ở cực bắc đất nước, thuộc phường Trà Cổ, Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Việt Nam hiện nay.
Hai chữ Trà Cổ bắt nguồn từ những người dân vùng Trà Phương và Cổ Trai ở Đồ Sơn (Hải Phòng) ra đây mở đất lập nghiệp từ hơn 600 năm trước. Xưa kia, Trà Cổ vốn là một hòn đảo nằm cách bờ chừng 100m. Năm 1952, người Pháp cho đá vào rọ sắt đổ xuống biển để làm thành lối đi, đến năm 1954 thì mở đường và sau này trở thành con đường lớn như bây giờ. Bãi biển Trà Cổ từng được phong tặng rất nhiều danh hiệu như: bãi biển đầu tiên trên bản đồ đất nước, bãi biển dài nhất Việt Nam với chiều dài đến 17 km, bờ biển gần biên giới nhất, bãi biển hoang sơ và lãng mạn nhất…
Trà Cổ đẹp bởi nhiều cảnh quan thiên nhiên như Cồn Mang, hòn Mang và nhiều di tích lịch sử và văn hóa đậm nét nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc truyền thống như đình Trà Cổ, chùa Linh Khanh, chùa Xuân Lan, nhà thờ Thiên Chúa giáo Trà Cổ…
Đặc sắc nhất là đình Trà Cổ, được xây từ khoảng 500 năm trước và đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Đình gồm bảy gian to rộng, có cửa vọng sơn son thiếp vàng, chạm trổ rồng phượng, sò ốc biển rất tinh vi. Đình thờ 6 vị tiền hiền có công khai phá vùng đất Trà Cổ; trong đó có Quận He (Nguyễn Hữu Cầu) – một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê – Trịnh. Năm 1974, đình Trà Cổ đã được cấp bằng chứng nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Gần ngôi đình cổ kính này còn có chùa Nam Thọ. Tại đây còn lưu giữ đôi câu đối của cụ Phan Bội Châu đề tặng khi cụ cùng với Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính ghé lại trên đường sang Trung Quốc năm 1905.
Trà Cổ còn là vùng biển giàu hải sản như sá sùng, sò huyết, mực, cua, ghẹ, tôm, cá… Đặc biệt, ở Trà Cổ còn nổi tiếng bởi các món ăn chế biến từ con sam biển.
Bãi biển Trà Cổ được mệnh danh là “trữ tình nhất Việt Nam” với một vẻ đẹp nguyên sơ, hài hòa, thơ mộng với bãi cát trắng mịn màng trải dài phẳng lặng trong nền nước biển bốn mùa xanh biếc. Gần biển Trà Cổ còn có một nơi đón hoàng hôn hay bình minh lãng mạn là Cồn Mang. Cồn Mang chỉ cách Móng Cái chừng 5 km, cát ở đây chắc và mịn có thể phóng xe máy trên bãi một cách thoải mái mà không sợ bị lún hay trơn trợt.
Đến Trà Cổ vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch, du khách sẽ được tham gia lễ hội đình Trà Cổ. Trong lễ hội có nhiều tập tục mang đặc tính địa phương như tục gác đoạn tre lên trên xà đình vào ngày khai hội và hạ xuống khi giã hội; tục thi làm cỗ chay, cỗ mặn, tục thi lợn béo mà người địa phương gọi các chú lợn đó là các “Ông Voi” (Ông Voi được các vị cai đám chăm sóc chu đáo từ nhiều tháng trước khi vào hội). Ngày giã Hội còn có hội múa bông. Trong ngày hội múa bông người ta cầu mong trời đất, thần linh phù hộ để đánh bắt được nhiều tôm cá, mua bán phát đạt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc