Chùa Bộc nơi thờ Hoàng đế Quang Trung
Chùa Bộc nằm trên đường Chùa Bộc, một trong những đường phố sầm uất thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Đi trên đường Chùa Bộc, có thể nhìn rõ tam quan của chùa trang nghiêm, cổ kính đan xen với những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Chùa vốn thờ Phật nhưng vì tọa lạc sát một chiến trường giữa quân Tây Sơn và quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789) nên sau này chùa còn thờ cả vong linh những người chết trận. Đặc biệt, chùa còn thờ Hoàng đế Quang Trung.
Thường được gọi là Chùa Bộc nhưng chùa có tên chữ là Sùng Phúc Tự và Thiên Phúc Tự. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê hoặc trước nữa. Bia cổ nhất của chùa còn ghi niên hiệu Vĩnh Trị nguyên niên, đời Lê Hi Tông (1676). Bản lịch sử xây dựng chùa có ghi rõ người đứng hưng công là vị Tăng lục Trương Trung Bá cùng nhân dân kẻ góp công, người góp của để dựng lại chùa đã bị chiến tranh tàn phá.
Trong trận Đống Đa (1789) chùa bị thiêu trụi vì nằm gần đồn Đống Đa. Đến 3 năm sau tức năm 1792, thời Quang Trung, chùa được trùng tu trên nền cũ làm nơi quy y cho vong hồn quân Thanh và đổi tên là chùa Thiên Phúc. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là Chùa Bộc để chỉ xác giặc bị phơi ra khắp nơi (bộc: phơi bày).
Trong chùa có pho tượng Đức Ông đặt dưới bức hoành phi mang bốn chữ “Oai phong lẫm liệt”. Sau bệ ngồi có khắc chữ “Bích Ngọ tạo Quang Trung tượng” và đôi câu đối ca ngợi công lao nhà vua:
Đông lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ,
Quang Trung hóa Phật, tiểu nhiên thế giới chuyển phong vân.
Nghĩa là:
Cửa đông không bụi trần, sông núi còn lưu rường cột
Trong sáng nên hóa Phật, cõi đời chuyển nổi gió mây.
Pho tượng quen được gọi là Đức Ông mãi đến năm 1962, giới nghiên cứu Hà Nội mới phát hiện dòng chữ khắc sau bệ tượng: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng ”. Năm Bính Ngọ có thể là năm 1846 hoặc 1906. Dù là năm nào đi chăng nữa thì việc làm đó cũng là bằng chứng về tấm lòng tôn kính của nhân dân Thăng Long – Hà Nội. Họ đã dám tạc tượng thờ vua Quang Trung bất chấp sự cấm đoán của triều Nguyễn lúc bấy giờ.
Trong một ngôi chùa ở miền Bắc, bao giờ cũng vậy, hai bên tả hữu có thờ đức thánh hiền và đức Chúa Ông. Sự bài trí ở Chùa Bộc cũng thế, nhưng có khác một điều, là bên trái chính điện, từ bên ngoài nhìn vào, nơi bàn thờ đức Chúa Ông không phải chỉ thờ có một thánh tượng như các ngôi chùa khác mà có đến 3 tượng thờ. Tượng ngồi ở trên cao, ở phía dưới, hai bên có hai pho tượng khác. Tư thế ngồi của tượng Đức Ông cũng khác thường. Ngài ngồi trên bệ sơn son, một chân ở trong hài còn chân kia để bên ngoài một cách tự nhiên. Ngài mặc áo hoàng bào, thêu rồng ẩn hiện trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc, đầu đội mũ xung thiên có hai dây kim tuyến thả xuống trông thật oai nghiêm. Tất cả trang phục đó là của một vị đế vương. Ngay sau lưng pho tượng, phía trên đỉnh đầu có một chữ “Tâm” bằng Hán tự rất lớn. Hai bên ngai thờ là đôi câu đối ca ngợi công đức Đức Ông.
Trong chùa, ngoài hai tấm bia làm năm 1676 còn có bia “Chính hòa Bính Dần” (1686), nhưng quan trọng hơn là bia làm năm Nhâm Tý niên hiệu Quang Trung tứ niên (1792) và một quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh (thời Nguyễn Quang Toản) được phát hiện vào năm 1959.
Phía bên trên Chùa Bộc vẫn còn một cái hồ Tắm Tượng, nơi đội tượng binh Tây Sơn đến tắm rửa sau khi hạ được đồn Khương Thượng. Chung quanh Chùa Bộc còn có các gò Đống Thiêng, Đầu Lâu, Trung Liệt, núi Cốc, núi Cây Cờ, chùa Đông Quan… sau lưng chùa còn có di tích Loa Sơn, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống sau khi thất trận đã treo lên cành đa thắt cổ tự tử. Trong chùa còn có di tích Thanh Miếu, tức miếu thờ Sầm Nghi Đống cũng như quân Thanh chết trận. Thanh Miếu này chính vua Quang Trung ra lệnh cho xây dựng. Dân gian vẫn còn lưu truyền câu:
Đống Đa ghi dấu nơi đây
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc am
Đây không phải lần đầu một vị vua Việt Nam được tôn thờ làm Phật. Thời nhà Trần đã có vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã hai lần chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông. Có điều Phật hoàng Trần Nhân Tông được triều đình phong tặng, còn Phật hoàng Quang Trung là do nhân dân tôn xưng, phụng thờ.
Ý kiến bạn đọc