Đón dâu bằng thơ – Nét đẹp trong văn hóa dân tộc Tày
Lễ mời rượu trong đám cưới người Tày. Ảnh: Báo Yên Bái |
Dân ca đám cưới còn được gọi là tiếng hát đón dâu. Ở các dân tộc khác như Mường, Thái, Dao, Cơ Tu... cũng có dân ca đám cưới, song mỗi dân tộc lại có hình thức diễn xướng khác nhau. Người Tày gọi dân ca đám cưới bằng nhiều tên khác nhau, có nơi gọi "lượn lẩu" (lượn rượu), có nơi gọi "lượn pú ta" (lượn Quan lang). Cách gọi phổ biến và quen thuộc là "lượn Quan lang". Cách gọi tuy có khác nhau nhưng tựu trung đó là những bài hát dành riêng cho đám cưới, chỉ cất lên trong đám cưới, khác những bài ca xuất hiện ở chợ phiên, trên những con đường vào bản, nơi nương rẫy hoặc trong lễ hội. Những bài hát đám cưới Tày mang chức năng trao đổi tình cảm, lại diễn xướng theo nghi lễ truyền thống nên nó cũng không nằm ngoài nhu cầu về tinh thần, trí tuệ, thẩm mỹ của người Tày. Quan niệm của người Tày xưa về "lời nói đẹp" ấy là thơ ca được dùng trong lúc trang trọng hoặc khi thổ lộ tâm tình. Trong lễ cưới không chỉ trang trọng mà còn vui vẻ, cũng là dịp thử tài ứng xử thơ ca của hai họ nhà trai và nhà gái. Những cuộc so tài thử trí này vừa mang tính sinh hoạt, vừa là hình thức nghi lễ được diễn ra theo trình tự thời gian từ khi đoàn nhà trai đặt chân tới nhà gái đến lúc kết thúc xin phép đón dâu về.
Phụ nữ Tày dệt vải. Ảnh:vietbao.vn |
Lễ đón dâu của người Tày xưa bắt đầu từ chiều hôm trước, ở qua đêm đến ngày hôm sau, có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn thử thách (kể từ khi họ nhà trai đến cổng nhà gái phải vượt qua các "trạm gác" để vào được nhà) và giai đoạn hai là những thủ tục đón dâu. Ứng với mỗi sự thử thách và các nghi thức là những bài ca, nội dung, dung lượng của bài ca tùy thuộc vào các đề tài, tình huống cụ thể và tài ứng đối của người đại diện nhà trai và nhà gái. Khi tiếng hát cất lên cũng là lúc mọi thành viên bị cuốn hút vào cuộc, tạo nên không khí văn nghệ thân ái, đoàn kết trong cộng động làng bản.
Thử thách đầu tiên của nhà trai là khi đến cổng bị nhà gái đóng không cho vào, lại còn vờ hỏi:
Xin trình đến khách lạ khác thường
Đi đâu mà lạc đường qua đây
Gái trai đều thanh tân thay thảy
Người người mặt xinh đẹp trắng ngần
Tôi chặn đường giữ phép nhà quan
Người ngay được vào làng vào bản
Người gian là phải lìa chốn đây
Khách này là người ngay người dở
Tôi xin hỏi cho rõ ngọn ngành.
Muốn nhà gái mở cổng cho vào, Quan lang phải cất lên tiếng hát:
Ngày này ngày đại lễ đón dâu
Chúng tôi đưa rể về lễ tổ
Lễ vật có nhiều gánh nhiều gồng
Con rể gọi đắp ơn cha mẹ
Được ơn các nàng mở cửa cho
Cổng mở nhưng lối vào bị chắn bởi một dải lụa ngũ sắc. Quan lang lại hát:
Xin trình đến các nàng nhà sang
Đi đến đây đường trường mệt mỏi
Thấy có dải lụa đào chắn ngang
Thấy có dải lụa loan ngũ sắc
Cấm vào nhà những khách không quen.
Tiếng hát vừa dứt, dải lụa được cất đi mở đường cho nhà trai đến cầu thang nhà sàn. Theo lệ thường chân cầu thang có máng nước rửa chân nhưng hôm nay không có. Mấy cô gái bưng những khay rượu đến mời khách rửa chân. Bài hát Lẩu dào kha (rượu rửa chân) được ra đời, nói lên điều hay lẽ phải, giá trị quý báu của những giọt rượu, không thể lấy rượu thay nước rửa chân, làm như vậy là trái với lẽ thường, coi thường công lao động và vật phẩm quý là lúa gạo:
...
Lại có rượu rửa chân chúng tôi
Nghĩ mà thất lễ với trời đất.
Lên được cầu thang thì lại vướng phải những đoạn củi cháy dở, những chiếc chổi, con dao, con mèo bị nhốt... đặt ngang đường. Nếu bước qua sẽ bị nhà gái chê cười là bất lịch sự. Quan lang lại trổ tài thơ thuyết phục để nhà gái dọn lối vào. Thế nhưng cánh cửa nhà chính vẫn đóng. Bài ca "Xo khay tu" (xin mở cửa) được Quan lang cất lên trình bày nhiệm vụ quan trọng của nhà trai đến nhà gái đón dâu, đề nghị nhà gái cho vào nhà. Vượt qua ngần nấy "thử thách" của nhà gái, nhà trai những tưởng xong chuyện, được ngồi xuống giường nghỉ ngơi đàm đạo. Nào ngờ giường không có chiếu, trong khi đó mấy cô chủ lịch sự mời chào. Quan lang lại hát bài "Piái phục" (trải chiếu) nhà gái mới chịu mang chiếu đến trải vào giường nhưng cố tình trải ngược chiếu. Cả đoàn đón dâu vẫn kiên trì đứng chờ. Quan lang hát bài "Piển phục" (trải lại chiếu) ý nói mọi vật tồn tại trong tự nhiên và trong cuộc sống đều tuân theo quy luật phát triển tự nhiên của nó, lẽ nào nhà gái làm trái quy luật ấy.
Chiếu được trải lại, nhà trai mới ngồi yên vị trên chiếc giường dành cho khách quý. Đến đây giai đoạn thử thách coi như kết thúc. Bước sang giai đoạn hai, nhà trai tiến hành các thủ tục lễ nghi truyền thống, gắn với nó là những khúc ca. Thay mặt nhà trai, Quan lang thưa với nhà gái qua bài "Dạ cốc họ" (thưa họ hàng). Nội dung ca ngợi công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ cô dâu và họ hàng. Nhà trai rất biết ơn công lao đó. Tính từ giờ phút này hai bên chính thức gặp gỡ kết tình thông gia, nạp đồ cưới, cho chú rể bái tổ, xin đón dâu về.
Nhà gái mang khay nước chè đến mời. Trước khi uống, Quan lang hát bài "Kin nậm chè" (uống nước chè) cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của họ nhà gái. Sau đó Quan lang xin phép cho chú rể thắp hương lễ tổ, ra mắt nhận ông bà cha mẹ, họ hàng:
Mười giờ kén được giờ này tốt
Trăm giờ kén được giờ này lành
Giờ này được trên trời phù hộ
Giờ này có nhiều phúc đến nhà
Giờ đẹp con rể ra bái tổ.
Cơm rượu đã được bày sẵn, cả hai họ vui vẻ ngồi dự. Những bài "Thơ lẩu" (thơ rượu) được cất lên. Lúc này không chỉ có Quan lang hát mà mọi người đến tham dự đám cưới cùng tham gia hát đối đáp. Có lẽ lý do người Tày gọi dân ca đám cưới là "Thơ lẩu" cũng xuất phát từ đây.
Không khí hoan hỉ của đám cưới kéo dài gần như thâu đêm suốt sáng. Ngày hôm sau, ông Quan lang lại tiếp tục thực hiện nghi thức còn lại. Bài ca "Xo lùa mừa" (xin đón dâu) kết thúc các thủ tục trước khi chú rể chào mọi người đưa cô dâu về nhà:
Đón dâu về họ hàng xem mặt
Đón dâu về kế thế phụng thờ.
Hát then - đán tính của người Tày. Ảnh:website Bộ VH-TT&DL |
Qua diễn trình diễn xướng dân ca đám cưới Tày, có thể thấy mọi sự dẫn dắt giao tiếp giữa hai họ đều được thực hiện bằng thơ ca, do Quan lang là người cầm trịch. Đây là điểm độc đáo trong đám cưới của dân tộc Tày, thể hiện hình thức tổ chức đã có nền nếp quy củ, tuân theo các trật tự mang tính truyền thống. Những lời đối đáp ở giai đoạn một làm tăng thêm không khí vui nhộn của lễ cưới, thu hút mọi người tham gia vào cuộc, đồng thời kích thích khả năng ứng tác của các nghệ nhân dân gian, góp phần làm phong phú thêm vốn dân ca đám cưới của dân tộc. Hình thức tạo nhiều tình huống hoặc phạt Quan lang bằng những chén rượu mỗi khi lúng túng, bí, không đáp được cũng nhằm mục đích phát huy khả năng sáng tác thơ ca của nghệ nhân. Từ sự dí dỏm, tinh nghịch, gây cười của những bài ca ở giai đoạn đầu đã chuyển sang tính nghiêm túc, trang trọng của những bài ca mang tính nghi lễ ở giai đoạn sau, tạo nên sự hài hòa trong lễ cưới. Bài ca có tính thuyết lý thể hiện bằng giọng hát Quan lang được đặt trong không khí trang trọng của hôn lễ đã tăng tính thuyết phục thêm bội phần. Lệ "Srằm khấu" (ướt khô) là tiếng hát nên thơ, cảm động về sự báo đáp công ơn cha mẹ vất vả nuôi con khôn lớn, đã thấm sâu vào trong ký ức, trong lòng người nghe.
Mặc dù diễn xướng những bài ca đám cưới có kéo dài nhưng nó được sắp xếp theo trình tự lô gích, đặt trong không gian rộng có cảnh huống gắn chặt với bài nghi thức hôn lễ nên có sức thuyết phục, tập trung vào vai trò của người diễn xướng là Quan lang.
Có thể nói, những bài ca đám cưới Tày và môi trường diễn xướng độc đáo của nó thực sự là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đẹp đẽ của đồng bào Tày.
Ý kiến bạn đọc