Multimedia Đọc Báo in

Hồn phố Hà Nội

15:25, 10/10/2010

Cũng như con người, mỗi con đường ngõ phố của Hà Nội đều có một linh hồn. Nó nằm ở những hàng cây xanh; phố Phan Đình Phùng xanh rợp ba hàng cây, lá vàng rụng níu bước chân người qua mỗi khi thu về. Phượng vĩ của phố Lý Thường Kiệt, vòm sấu xanh um của phố Trần Hưng Đạo, bằng lăng phố Thợ Nhuộm, hàng bàng phố Khâm Thiên. Mỗi phố đều gắn với một loài cây nào đó. Đặc biệt, Hồ Gươm soi bóng có hai loại cây đặc trưng là cây liễu rủ bên hồ và cây lộc vừng hoa đỏ sẫm cả một góc hồ. Và hương hoa sữa, hương ngọc lan thoang thoảng trên đường Thanh Niên, hương hoa sữa dọc đường Nguyễn Du, hương hoa sấu trên phố Lý Nam Đế.

Phố là bộ mặt của Hà Nội và đôi mắt chính là Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây. Phố Hà Nội đẹp và ẩn sâu cũng như đôi mắt của Hà Nội tuyệt đẹp, long lanh như mắt thiếu nữ nhưng thanh thản đến lạ thường. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng đắm đuối với hồn phố Hà Nội: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ…”. Mỗi lần về Hà Nội bao giờ tôi cũng dành thời gian dạo mấy vòng qua phố cổ. Chính phố cổ là nét đặc trưng tạo nên chiều sâu của hồn phố Hà Nội. Một Phố Phái (tranh vẽ phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái) luôn dành cho phố cổ một gam trầm ấm nóng, mái ngói lô xô như những nếp sóng nhà. Tôi nhiều lần ngẩn ngơ đếm những ngõ phố với những tên “Hàng”: Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Bún… Trong ký ức của người Hà Nội một căn nhà, một góc phố, một hàng cây, một âm thanh, một làn hương, một màu sắc cũng gợi lên bao hình ảnh thân yêu, gợi cảm. Người Hà Nội tài hoa hiếu học. Còn đó Hàng Giấy, Hàng Bút. Đời thường của người lao động gắn với Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Bột. Muốn sắm sửa thì lên Hàng Bát, hàng Đàn, Hàng Đũa và Hàng Lược như muốn điểm tô, chải mượt mái tóc con gái Hà thành. Phố Hàng Hương thơm thoảng làn hương trầm. Phố Hàng Trống rộn rã tiếng trống ếch của rằm Trung thu tháng Tám. Phố Hàng Mã đèn lồng kéo quân sặc sỡ…

Cửa Ô Quan Chưởng Hà Nội (Ảnh: T.L)
Cửa Ô Quan Chưởng Hà Nội (Ảnh: T.L)

Không có nơi đâu như ở Hà Nội mà tên phố – phố Chả Cá lại được đặt theo tên món ăn trên phố này, đó là món chả cá Lã Vọng. Rồi bún chả Hàng Mành, bánh cuốn cà cuống Hàng Gà, phở Bát Đàn, đậu phụ mắm tôm ngõ Phát Lộc… Những tên món ăn, thú vui ẩm thực gắn liền với tên phố như không thể tách rời nhau mà hòa trộn bổ sung cho nhau để tạo thành hồn của phố. Rồi cà phê Nhân phố Hàng Hành, bánh cốm Hàng Than, chè Lò Sũ, ô mai Hàng Đường… những quà những bánh ấy trộn cùng với phố phường tạo nên cái nét riêng của không gian ẩm thực Hà Nội để rồi nó không còn những quà, những bánh nữa mà đã trở thành nỗi nhớ quay quắt gắn với phố phường mỗi khi đi xa.

Người Hà Nội hào hoa thanh lịch: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Dân Hà Nội là dân tứ chiếng, là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên cái khí chất cũng là hồn sâu của phố quy tụ mọi phát tiết, tinh anh của cả nước. Một hồn phố bắt đầu từ đất địa linh mà trong “Chiếu dời đô” Lý Công Uẩn đã khẳng định: “Đại La ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa. Dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt chỗ ấy là hơn cả. Thực ra chỗ hội họp của bốn phương là nơi thượng đô kinh sư của muôn người”. Và trong tôi bất chợt ngân vọng bài hát “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang (phổ thơ của Phan Vũ). Những câu thơ tài hoa đã bắt được hồn cốt, hồn phố Hà Nội: “Em ơi! Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa, con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ, ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm” và “Em ơi! Hà Nội phố/Ta còn em màu xanh thời gian” Vâng! Thời gian vẫn còn xanh mãi trên mỗi mái phố mỗi hàng cây, mỗi kỷ niệm của Thủ đô ngàn năm tuổi.

 

Nguyễn Ngọc Phú

 


Ý kiến bạn đọc