“Trạng Tỏi” Nguyễn Đăng – Người đạt danh hiệu khoa bảng độc nhất trong nước
Nói về truyền thống khoa bảng ở nước ta, ai cũng biết đến Nguyễn Khuyến đạt danh hiệu “Tam Nguyên” và kẻ hậu thế thường gọi là “Tam Nguyên Yên Đổ” để bày tỏ sự thán phục về tài học của cụ. Vậy mà người đời ít ai biết rằng ngoài “Tam Nguyên Yên Đổ” còn có “Tứ Nguyên Nguyễn Đăng” quê ở xã Đại Toán, huyện Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Đăng sinh năm Bính Tý (1576) đời vua Lê Anh Tông, trong một gia đình nghèo khó ở một làng quê chuyên sống bằng nghề trồng hành, tỏi nên gọi là làng tỏi. Tuy nghèo nhưng gia đình ông có truyền thống hiếu học, cha mẹ ông đã nuôi các con ăn học chu đáo. Ông có người em trai tên Nguyễn Phong làm đến chức Hiến phó, tước Lĩnh Nam hầu.
Ngay từ thời niên thiếu, Nguyễn Đăng đã tỏ ra thông minh, ham học hỏi. Ở địa phương còn lưu truyền một giai thoại ca ngợi trí thông minh, mẫn tiệp của ông như sau:
Khi còn nhỏ, nghe nói cụ nghè Nguyễn Đình Tuân, quê ở làng Võ, xã Quảng Bố, huyện Lang Tài là người hay chữ, dạy giỏi trong vùng, Nguyễn Đăng được gia đình đưa đến tận nhà xin theo học. Cụ nghè chỉ nhận những người hiếu học và thông minh cho nên mới ra một câu đối, ai đối hay mới nhận làm môn sinh. Ông vui vẻ nhận lời. Cụ nghè ra vế đối:
Vó vé, te te, võng tiến sĩ
Vế này đặt ra ba yêu cầu hóc búa về nội dung: một là vó, te, võng là những đồ dùng sinh hoạt, làm ăn của nhà nông; hai là làng Vó, làng Te đồng thời là những nơi cụ nghè ở; ba là trong hoàn cảnh nơi thôn dã nghèo khó như vậy mà đã có ông nghè như thế đã chứng tỏ là nơi có truyền thống hiếu học. Nguyễn Đăng nghe xong liền đối ngay:
Hành hành, tỏi tỏi, kiệu trạng nguyên
Vế đối của ông thật là lời hay ý đẹp, đáp ứng được cả 3 yêu cầu của vế ra: hành, tỏi, kiệu vừa là tên của rau, của các loại gia vị vừa là địa danh của quê ông. Trong điều kiện một làng quê chỉ có nghề trồng hành, tỏi, rau màu lặt vặt như vậy mà sanh ra một “quan trạng” thì thật hiếm thấy!
Nghe xong, cụ nghè khen hay và chấp nhận cho ông theo học. Về sau, Nguyễn Đăng thi đỗ giải nguyên qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình (khoa thi năm Nhâm Dần – 1602) lúc mới 26 tuổi và thủ khoa kỳ thi ứng chế (kỳ thi đặc cách do vua Lê Kính Tông mở). Ông được nhà vua tặng danh hiệu là “Tứ Nguyên”. Danh hiệu này có lẽ độc nhất vô nhị trong nước. Tuy nhiên, nhân dân địa phương quen gọi ông là “Trạng Tỏi”. Cụ nghè làng Vó mến tài ông ngay từ ngày đầu nhập học nên đã gả con gái của mình cho ông.
Nguyễn Đăng là một văn quan mẫn tiệp với triều Lê nên được vua Lê Kính Tông, Lê Thần Tông rất mến phục và trọng dụng. Triều đình bổ nhiệm ông chức Hộ bộ Hữu thị lang, tước Phúc Nam Hầu. Năm Quý Sửu (1613) ông cùng Lưu Đình Chất được cử đi sứ Trung Quốc. Đến nơi ông cùng sứ Cao Ly đối đáp nổi tiếng. Trong dịp này, khi được vua Minh mời đến thăm ông có làm bài phú tả cảnh chùa Phi Lai được truyền tụng.
Ông sở trường về phú. Đương thời có câu ca ngợi: “Phú ông Tỏi, hỏi làm chi?”.
Với đức độ, tài năng uyên thâm của mình, Nguyễn Đăng có nhiều cống hiến cho dân, cho nước. Ông luôn làm việc hết mình và được người đương thời ca ngợi, các quan trong triều nể phục. Đến khi về trí sĩ, ông lại mang nốt phần tâm lực của mình ra để giúp đỡ làng xóm quê hương. Ông mở lớp dạy học ở làng Hán Đà, Hán Quảng, học trò theo học rất đông. Nhiều người trong số đó đã hiển đạt. Có thể nói ông đã có công xây đắp cho truyền thống giáo dục tại xứ Bắc trong quãng đời xế bóng.
Ông mất năm Đinh Dậu (1657), hưởng thọ 81 tuổi. Sau khi qua đời, ông được triều đình nhiều lần phong tặng, tiêu biểu là lần phong tặng ông danh hiệu “Tế thế trạch dân Đại Vương”.
Nguyễn Nhân
Ý kiến bạn đọc