Multimedia Đọc Báo in

Di tích làng nghề - tổ nghề ở Thăng Long còn tồn tại điển hình ở phố Hàng Bạc - Hà Nội

16:02, 09/01/2011

Phố Hàng Bạc là một phố cổ nổi tiếng của Hà Nội. Thời xa xưa, đây thuộc phường Đông Các, huyện Thọ Xương. Từ thời Lê, Đông Các là khu vực thương mại sầm uất, một trong 36 phường của Thăng Long, có nghề kim hoàn đặc sắc. Theo truyền tụng, tổ nghề kim hoàn là ba anh em họ Trần, người ở Định Công. Lớn lên thời buổi loạn lạc, trên đường kiếm kế sinh nhai, cả ba anh em họ Trần đều theo học được nghề vàng bạc, cùng nhau khởi lên nghề làm đồ vàng bạc (nghề “kim hoàn” (vòng vàng). Ba anh em đã dạy cho dân làng Định Công  nghề kim hoàn, từ đó thành nghề truyền đời của thợ kim hoàn ở làng Định Công, và người ta coi ba ông họ Trần là tổ nghề. Thực chất, ba anh em họ Trần chỉ là hậu tổ sư của nghề vàng bạc. Từ xa xưa, nghề vàng bạc đã xuất hiện ở nước ta. Một số thư tịch cổ cho biết: từ thời Thái thú Sĩ Nhiếp (187-226) đã đưa về Trung Quốc nhiều cống phẩm là những đồ vàng bạc của Giao Châu (nước Việt). Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng có ghi việc vua Lê Đại Hành sai thợ khéo trong nước làm những đồ vàng bạc tinh xảo để làm cống phẩm cho phương Bắc… Vậy là nghề vàng bạc ở nước Việt ta đã có hơn nghìn năm lịch sử. Không chỉ có thợ kim hoàn nổi tiếng ở Định Công, thợ kim hoàn ở Hưng Yên, ở Thái Bình cũng đã nổi danh từ xưa. Và, chính những người thợ kim hoàn ở tất cả các nơi đó đã tụ hội về Thăng Long, mang theo nghề truyền thống của mình, góp phần tạo nên sự phát triển thịnh vượng, phong phú của 36 phố phường xưa.

Vào thế kỷ XVII-XVIII, nền kinh tế hàng hóa ở Thăng Long có sự phát triển vượt bậc. Rất nhiều phường nghề thủ công ở tứ xứ, nhất là ở các vùng phụ cận đã di chuyển vào Thăng Long: từ Đài Loan (thuộc Hải Dương) nghề nhuộm đào du nhập vào kinh thành; từ Quất Động (thuộc Hà Nội ngày nay) người ta đưa nghề thêu tới kinh thành; từ Nhị Khê mà nghề tiện đến Thăng Long; nghề rèn thì do người Hòe Thị, Đa Hội đem vào Thăng Long… Vốn ở sát kinh thành, người Định Công (Thanh Trì) đã đưa nghề kim hoàn vào Thăng Long rất sớm, lập nghiệp ở phường Đông Các. Rồi tiếp đó, thợ vàng bạc ở Đồng Sâm (Thái Bình) và ở Châu Khê (Hưng Yên) cũng tụ đến phường Đông Các để làm nghề. Đông nhất là thợ gốc Định Công, nhiều thợ giỏi, tài hoa. Người thợ gốc Đồng Sâm thì giỏi về chạm bạc. Những người gốc Châu Khê thì chuyên bán khuyên tai, nhẫn, vòng, và đúc bạc nén, đổi tiền cho khách. Để ghi nhớ công ơn của các tổ nghề, những người thợ vàng bạc đã xây dựng nên hai ngôi đình thờ tiền nhân.

Những người thợ kim hoàn gốc Định Công đã dựng ngôi đình Trương Thị, còn gọi là Đình Trên, để thờ tổ nghề. Còn người thợ vàng bạc gốc Châu Khê thì mua đất dựng đình Kim Ngân, còn gọi là Đình Dưới, thờ ông tổ Bách nghệ (tổ sinh ra trăm nghề), đồng thời đình này cũng là địa điểm giao bạc để đúc và nhận bạc nén hồi thế kỷ XVIII. Hiện nay, Đình Trên ở số nhà 50 phố Hàng Bạc, Đình Dưới thì ở số nhà 42. Hai công trình kiến trúc được xây dựng trên ba trăm năm ngay nay ta đến thăm vẫn bắt gặp không gian truyền thống của ngôi đình làng với những mảnh chạm khắc sinh động, giàu mỹ cảm.

Phố Hàng Bạc vào năm 1883. (Ảnh: T.L)
Phố Hàng Bạc vào năm 1883. (Ảnh: T.L)

Trên phố Hàng Bạc, ngôi nhà số 86 là một di tích lịch sử mới, rất đáng tự hào ở Hà Nội. Đây chính là trụ sở của Ban Chỉ huy Trung đoàn thủ đô từ tháng 12-1946 đến tháng 2-1947, một tòa nhà ba tầng, to và đẹp, xây dựng khoảng năm 1925, theo lối kiến trúc ở Pháp, của nhà tư sản Phạm Chấn Hưng. Ngôi nhà là nơi giao dịch, buôn bán vàng bạc có tiếng ở Hà Nội đương thời và được đánh giá là vào loại lớn ở Đông Dương. Ông Chấn Hưng là một nhà tư sản yêu nước, các con ông đều là những trí thức có tinh thần dân tộc và có tài, như nhà thơ Phạm Huy Thông, nhà văn Phạm Huy Thái. Tại ngôi nhà này, nhà thơ Phạm Huy Thông đã sáng tác thiên trường ca hùng tráng. “Tiếng địch sông Ô” đóng góp cho thơ mới một giọng thơ đặc sắc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ và hào hùng, Trung đoàn Thủ đô đã ra đời và chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ban Chỉ huy Trung đoàn thường tập trung quanh chiếc bàn gỗ rộng trên tầng 2, nhà 86 Hàng Bạc. Các cuộc họp của Ban chỉ huy được tiến hành dưới hầm rượu. Suốt thời gian cầm cự ở Hà Nội, Trung đoàn thủ đô triển khai những trận đánh có tiếng vang lớn, như trận nhà Sauvage, trận Hàng Thiếc, trận Đồng Xuân… Những kế hoạch tác chiến và lệnh chiến đấu xuất phát từ Ban Chỉ huy ở số 86 Hàng Bạc đã là một trang ký ức hào hùng của thủ đô Hà Nội. Năm 1982, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã gắn biển lưu niệm tại nhà 86 phố hàng Bạc. Đến nay, ngôi nhà còn giữ được diện mạo cũ. Căn phòng rộng, chiếc bàn trước đây Ban Chỉ huy Trung đoàn từng ngồi họp, dấu vết ngăn hầm rượu cũ nay vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Hồng Anh (st)

 


Ý kiến bạn đọc