Lễ tế Xã Tắc tái hiện nét văn hóa tâm linh đặc sắc ở cố đô Huế
Trong lịch sử phát triển của các triều đại phong kiến ở nước ta, Lễ tế Xã Tắc luôn được duy trì hằng năm và được coi là quốc lễ của triều đình. Theo quan niệm của người xưa, Xã là “Thần đất”, Tắc là “Thần lúa” là hai vị thần nền tảng của mỗi quốc gia. Còn theo Từ điển Hán – Việt của cụ Đào Duy Anh: “…Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Vì thế triều đại nào cũng lập đàn Xã Tắc ngay tại kinh đô để tế lễ cầu cho quốc thái dân an, đất đai màu mỡ, mùa màng tươi tốt.
Ở Huế, đàn Xã Tắc được vua Gia Long xây dựng vào tháng 4-1806, tại phía tây Hoàng thành thuộc xã Hữu Niên (nay là phường Thuận Hòa – Huế). Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, đất để đáp đàn Xã Tắc được tuyển chọn lấy về từ các dinh, trấn, tỉnh, thành trong cả nước tượng trưng cho sự thống nhất thiêng liêng của Tổ quốc. Đàn Xã Tắc có quy mô lớn, kết cấu gồm 2 tầng, đều hình vuông. Tầng thứ nhất cao 1,7m, mỗi cạnh 30m; mặt nền đàn tô 5 màu theo ngũ phương: ở trung tâm là màu vàng, hướng đông màu xanh, hướng tây màu trắng, hướng nam màu đỏ, hướng bắc màu đen. Chính giữa tầng này có 32 chân tảng bằng đá khoét lỗ ở giữa để cắm tàn lọng mỗi khi tế lễ. Bốn phía xây bậc cấp để lên đàn: bệ phía bắc có 11 bậc; các bệ ở phía đông, tây, nam đều có 7 bậc. Ở chính giữa tầng 1 đặt án thờ Thái Xã thần vị ở bên phải và Thái Tắc thần vị ở bên trái. Ngoài ra ở bên phải của tầng 1 còn thờ thêm Hậu thổ Câu Long thị và phía trái thờ Hậu Tắc thị. Hai bàn thờ Thái Xã và Thái Tắc đặt đối diện nhau.Tầng thứ 2 cao 1,2m, mỗi cạnh 74m. Mặt trước của nền gạch có 2 chân đá tảng để cắm tàn lọng; bốn bên đều có bậc cấp bước lên, mỗi bệ có 5 bậc xây bằng đá. Cả 2 tầng đều có xây lan can bổ trụ bằng gạch, cao đều 90cm. Tầng thứ nhất tô màu vàng. Tầng thứ 2 tô màu đỏ. Đàn Xã Tắc được đặt trong một khuôn viên hình chữ nhật, rộng hơn 3,6ha, phía trước mặt (phía Bắc) có hồ lớn làm Minh đường. Trong khuôn viên của đàn trồng rất nhiều cây mù u, mà ngày nay còn lưu truyền trong dân gian: “Văn Thánh trồng thông/ Võ Thánh trồng bàng/ ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u”.
Tái hiện Lễ tế Xã tắc. |
Lễ tế Xã Tắc được triều Nguyễn xếp vào bậc đại lễ chỉ sau Lễ tế Nam Giao, được tổ chức vào tháng trọng xuân và trọng thu (tháng 2 và tháng 8 âm lịch). Trước khi tế lễ, các con đường từ Đại nội đến đàn Xã Tắc được quét dọn sạch sẽ, vua và các quan tham gia tế lễ phải trai giới, chay tịnh để giữ mình trong sạch. Vào chính lễ, hai bên đường từ cửa Ngọ Môn có quân lính và cờ quạt đứng uy nghiêm, đèn đuốc chong thâu đêm suốt sáng. Trên hương án, ngoài các thứ nghi trượng và đồ thờ cúng thường thấy còn có thêm lễ tam sinh gồm ba con vật: trâu, dê, lợn. Đội quân hơn 700 người với đầy đủ các nghi vệ, quan văn võ, binh lính, đội nghi trượng, đội nhã nhạc, vũ công Bát dật, voi, ngựa, chuông trống, võng lọng, cờ quạt… khởi hành đoàn ngự đạo đến đàn Xã Tắc. Sau đó đoàn Ngự đạo tiến hành cử lễ trong không khí trang nghiêm và linh thiêng, với rất nhiều nghi thức long trọng thành kính: Quán tẩy (vua rửa tay); Thượng hương (dâng hương); Nghinh thần (đón các thần); Điện ngọc bạch (tế ngọc và lụa); Hiến tước (dâng rượu); Truyền chúc (đọc chúc văn); Tứ phúc tộ (ban phúc); Triệt soạn (dọn thức ăn)...Các đời vua Nguyễn từ Hoàng đế Gia Long đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại hằng năm hay ba năm một lần đều tổ chức tế và đích thân làm chủ tế tại đàn Xã Tắc.
Trải qua hàng trăm năm duy trì và phát triển, Lễ tế Xã Tắc không còn bó hẹp trong phạm vi nghi lễ cung đình mà đã trở thành một đại lễ của đất nước, là nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người dân Việt. Vì thế, đàn Xã Tắc ở Huế được các đời vua triều Nguyễn tôn tạo gìn giữ hết sức chu đáo. Sau Cách mạng tháng 8-1945, đàn Xã Tắc không còn được sử dụng như công năng của nó nên dần trở thành phế tích. Mãi đến năm 2006, với quyết tâm phục hồi một di tích cung đình quan trọng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ khoa học phục hồi đàn Xã Tắc. Ngày 13-12-2006, di tích chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Đến năm 2008, dự án phục hồi tôn tạo đàn Xã Tắc đã hoàn thành giai đoạn I, tầng đàn thượng và một phần của tầng đàn hạ đã được khai quật tái tạo trả lại cho đàn Xã Tắc một phần diện mạo xưa. Đi đôi với việc trùng tu đàn Xã Tắc là quá trình nghiên cứu sưu tầm phục dựng các bước lễ tế Xã Tắc theo trình tự nguyên bản xưa,
Trong dịp Festival Huế 2008, lần đầu tiên sau hơn 60 năm gián đoạn, Lễ tế Xã tắc được tái hiện uy nghiêm hoành tráng với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ Nhã nhạc cung đình Huế, nghệ thuật truyền thống Huế cùng với hơn 120 vị bô lão đại diện cho các địa phương trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Lễ tế đã thực sự làm sống lại nét văn hóa tâm linh của cố đô xưa khơi dậy sự xúc động linh thiêng cho hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Từ đó đến nay, năm nào Lễ tễ Xã Tắc cũng được tái hiện vào tháng 2 âm lịch đúng như Lễ tế truyền thống xưa và đang trở thành một lễ hội đặc sắc của Huế.
Tuy là lễ tế tái hiện, nhưng trong tâm khảm người dân cố đô, Lễ tế Xã Tắc vẫn là một nghi lễ truyền thống linh thiêng. Bởi hiện nay, Huế là địa phương duy nhất trong cả nước còn bảo tồn được đàn Xã Tắc, Lễ tế Xã Tắc đã trở thành một lễ hội văn hóa tâm linh đặc sắc của Huế và của Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc