Về Quảng Nam, thăm nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm ngay bên trục đường tỉnh lộ 616 từ tỉnh lỵ Tam Kỳ đi Trà My, cách thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 35 km về phía Tây-Nam. Xưa kia vùng đất này thuộc làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay là thuộc thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Ngôi nhà do thân sinh cụ Huỳnh là ông Huỳnh Tấn Hữu xây dựng từ năm 1896, trong một khu vườn có diện tích gần 4.000m2. Ngôi nhà nằm trong một khu vườn rợp mát bóng cây, phía trước mặt là cánh đồng lúa cùng những sông suối nhỏ chảy quanh, xa xa là những dãy núi cao như bức bình phong khổng lồ che chắn cho ngôi nhà. Con đường lát đá dẫn vào ngôi nhà quanh co, uốn lượn; hai bên lối vào xanh mướt hàng chè tàu được cắt tỉa một cách công phu.
Ngôi nhà có diện tích khoảng 90m2 (7,6 x 12m), được xây dựng theo lối kiến trúc cổ đặc trưng của địa phương gồm ba gian hai chái, mặt bằng hình chữ nhật. Toàn bộ khung nhà chịu lực trên 30 cột gỗ được đẽo gọt công phu, tất cả đều được kê trên đá tảng. Mặt cắt dọc gồm 6 hàng cột và mặt cắt ngang gồm 5 hàng cột được liên kết theo kiểu thức vì kèo giao nguyên, theo lối tam đoạn kẻ chuyền. Đầu và đuôi kèo được chạm khắc hình hoa lá cách điệu. Trên trính (quá giang) có đặt trỏng quả (có cánh ác hai bên), trên đấu (con đội) được chạm khắc hình đầu lân và liên kết với kèo nóc bởi một xà cò (đòn đông hạ). Tất cả các cấu kiện cột, khung sườn nhà đều được làm bằng gỗ mít khai thác tại địa phương. Tổng thể kiến trúc của ngôi nhà đại diện cho kiến trúc thời Nguyễn (Tự Đức), cộng với bàn tay khéo léo của người thợ mộc làng Văn Hà (Quảng Nam) đã làm cho ngôi nhà hơn 110 năm tuổi càng tôn thêm giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Từ bên ngoài nhìn vào thì nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng có hai ngăn lồi ở hai đầu ngôi nhà. Ngăn lồi bên trái trước đây là nơi cụ Huỳnh thường ngồi làm việc, đọc sách, làm thơ, viết văn... Ngăn lồi bên phải là nơi gia đình cụ Huỳnh thường ngồi ăn cơm. ở chính giữa là cửa ra vào gồm có ba gian. Gian giữa của ngôi nhà là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phía trong và bên trên là bàn thờ Ngũ tự, chung quanh bàn thờ có hoa văn hình con dơi ngậm vòng và hai con rồng được chạm khắc bằng gỗ. Hai bên bàn thờ đặt mộc chủ (để tên tổ tiên, ông bà đã qua đời), ở giữa là nơi đặt ảnh thờ cụ Huỳnh. Hai bên bàn thờ treo hai câu liễn bằng gỗ màu đỏ do học sinh của cụ tặng khi cụ thi đỗ Tiến sĩ. Gian bên phải trước đây là nơi đặt giường nằm của Cụ Huỳnh, gian bên trái đặt một chiếc giường khác để phòng khi có khách đến thăm chơi ngủ lại.
Ngôi nhà này đã được tu sửa qua nhiều lần, đặc biệt là vào các năm 1932 và năm 1958. Năm 1932, theo ý kiến của cụ Huỳnh (lúc này cụ đang làm chủ bút báo Tiếng Dân ở Huế), vợ cụ là bà Nguyễn Thị Sắt đã đứng ra sửa chữa lại ngôi nhà: mái tranh cũ được thay bằng mái ngói âm dương, tường được xây lại bằng đá, bốn trụ gạch phía trước được xây thêm để áp kề với bốn trụ gỗ cũ, giữa hai trụ gạch được xây thêm vòm. Đến năm 1958, ông Huỳnh Toản (là cháu họ của cụ Huỳnh) đã tu sữa thêm một số nơi như: nâng hai đầu chái lên ngang bằng với mái ngang của ngôi nhà, hai phòng lồi được đưa vào ngang với cửa ra vào, phía sau thu hẹp lại và bỏ bớt đi căn buồng, bỏ đi sáu trụ gỗ trước hàng hiên...
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với việc tôn tạo lại phần mộ cụ ở núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi), nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Hiện nay, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được trùng tu, tôn tạo khá trang trọng, bên trong ngôi nhà còn trưng bày một số hình ảnh về gia đình, thân thế, sự nghiệp và các tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc sinh thời.
Ý kiến bạn đọc