Multimedia Đọc Báo in

Thành nhà Hồ – Di sản Văn hóa thế giới

18:02, 28/06/2011

Thành nhà Hồ hay còn gọi là thành Tây Đô, Tây Kinh, Tây Giai, An Tôn cách thành phố Thanh Hóa hơn 40 km, thuộc xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Đây là thành cổ nổi tiếng, không những có giá trị về mặt du lịch mà còn có giá trị về mặt lịch sử.

Theo Việt sử, năm 1379, Hồ Quý Ly sai quan Thượng thư bộ lại kiêm Thái sử lệnh là Đỗ Tĩnh đến nghiên cứu vùng đất Thanh Hóa để xây dựng thành trì, chuẩn bị cho việc dời đô từ Thăng Long vào đây. Các làng Tây Giai, Đông Môn, Phù Lưu, Yên Tôn (nay thuộc xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Ninh của huyện Vĩnh Lộc) đã được chọn làm nơi xây dựng kinh thành.

Địa thế vùng đất này rất hiểm yếu, có đường đi từ Bắc vào Nam và sang đất Lào, chung quanh bao bọc bởi các ngọn núi Hắc Khuyển, Ngưu Ngọc, Xuân Đài, Thổ Trinh... , hai mặt Nam, Bắc có sông Mã và sông Bái (Bưởi) án ngữ. Thuở đó nơi đây còn là đầm lầy, rừng rú nên là một vị trí quân sự rất lợi hại, vừa hiểm lại vừa hùng. Với ý đồ xây dựng một kinh đô mới, Hồ Quý Ly đã cho kiến thiết trong nội thành các công trình như cung điện, nhà cửa, đường sá, sân, hồ nước... chẳng khác gì Thăng Long để rồi đến năm 1397 Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông nhà Trần dời đô vào Thanh Hóa.

Tháng 3 năm Canh Thân (năm 1400), vương triều Hồ thành lập, Thành nhà Hồ được đặt tên là Tây Đô, là kinh thành của vương triều mới.
Thành nhà Hồ tiêu biểu ở sự giao lưu về các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông Nam Á; cũng là nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực.
Đây còn là sự đột phá về kỹ thuật chế tác và khai thác đá, lắp ghép xây dựng Thành bằng những tảng đá lớn. Quả thật đây là những kỹ thuật mà cho đến nay vẫn chưa thể lý giải được. Quá trình xây dựng tòa thành này chỉ kéo dài trong 3 tháng theo chính sử ghi chép lại (năm 1397). Ngày nay, những ai được tận mắt ngắm nhìn công trình kiến trúc cổ này cũng phải thán phục, không những bởi kỹ thuật xây dựng độc đáo mà còn thể hiện sự tài giỏi trong cách tổ chức, điều khiển việc thi công để có thể hoàn thành bức thành đồ sộ với hàng vạn thước khối đá chỉ trong thời gian ba tháng. Cho đến nay, tuy đã trải qua trên sáu thế kỷ chịu sự tàn phá ghê gớm của thời gian nhưng Thành nhà Hồ vẫn đứng sừng sững, uy nghi, đồ sộ như sức sống của dân tộc Việt Nam.

Thành nhà Hồ (Ảnh: T.L)
Thành nhà Hồ. Ảnh: Internet

Thành nhà Hồ có hình chữ nhật với diện tích khoảng 769.086m2, hai mặt Nam - Bắc dài 900m, hai mặt Đông - Tây dài 700m, cao trung bình từ 5 - 6m, có nơi cao đến 10m. Thành được đắp bằng đất, phía ngoài ốp bởi những khối đá lớn, các mặt được đẽo mài, có cạnh thẳng góc, đá chồng lên nhau khít khao lạ lùng. Ở cổng thành phía Tây có những phiến đá lớn dài đến 4,50m, rộng trên 1m và nặng từ 15 - 20 tấn. Mặt bên trong tường đắp đất thoai thoải để quân lính lên xuống dễ dàng. Mặt thành khá rộng, có đường để voi đi lại và bố trí các ụ pháo. Thành có bốn cổng, theo chính hướng Nam - Bắc, Đông – Tây gọi là cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu. Hai cửa phía Đông và Tây rộng 5,80m, dày 13,40m; cửa cổng phía Bắc rộng 5,80m, dày 13,70m, cao 5,40m và cổng Tiền ở phía Nam là đồ sộ nhất và vẫn còn nguyên vẹn hơn cả. Mỗi cổng có ba cửa, cửa giữa rộng 5,80m và cao 8m, hai cửa hai bên rộng 5m, cao 7,80m. Cả ba cửa đều xây cuốn vòm bằng những khối đá xanh đen, đẽo thành hình múi bưởi.

Phía trước cổng Tiền là một con đường thẳng như mũi tên, dài 5 km chạy giáp núi Đốn, là nơi để làm lễ tế Nam Giao. Thành nhà Hồ còn là nơi đã tổ chức hai kỳ thi chọn Thái học sinh (tiến sĩ) vào năm 1400 dưới triều Hồ Quý Ly và năm 1405 dưới triều Hồ Hán Thương. Theo các thư tịch cũ cho biết, thì trong thành thời đó có điện Hoàng Nguyên, các cung Diên Thọ, Phù Cực, Đông Cung, hồ Dục Tượng, núi Thọ Kỳ... rất nguy nga, tráng lệ không thua kém gì kinh đô Thăng Long. Năm 1403 lại xây dựng thêm hai công trình kiến trúc nữa là Đông Thái Miếu và Tây Thái Miếu.

Đầu thế kỷ 19, nhà sử học Phan Huy Chú còn nhìn thấy đường đi lối lại trong thành được lát đá hoa nhưng đến nay phần kiến trúc này đều đã bị hủy hoại, chỉ còn lại dấu vết nền móng các công trình và hai con rồng đá bị cụt đầu đang nằm hai bên con đường Nam - Bắc xuyên qua nội thành.

Đi dọc theo bốn phía thành, nhìn những phiến đá lớn chồng khít lên nhau tạo nên bức tường đồ sộ, ai cũng tự đặt câu hỏi, không biết người xưa đã dùng phương tiện gì để có thể vận chuyển và nâng lên những khối đá cao như vậy? Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu nước ta thì đây là thành đá lớn nhất, độc đáo nhất, có giá trị nhất và duy nhất còn tồn tại ở khu vực Đông Nam Á. Học giả người Pháp là Louis Bézacier đã nhận xét: “Thành Tây Đô là một tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam trước đây”. Ngôi thành này là một minh chứng sống của triều đại nhà Hồ tồn tại ngắn ngủi (1400 - 1407) nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử phát triển của đất nước.

Cuối năm 2006, với sự giúp đỡ của các bộ, ngành và các nhà khoa học trong và ngoài nước, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành nhà Hồ là Di sản Văn hóa thế giới. Và vào ngày 27-6 cơ quan UNESCO của Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận di tích Thành nhà Hồ là Di sản Văn hoá thế giới.

Dưới đây là một số hình ảnh Thành nhà Hồ (Ảnh: Nguồn Internet):

 

Đoàn du khách Lào - đoàn du khách quốc tế đầu tiên tham quan di sản Thành nhà Hồ sáng 28-6, sau khi Thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới
Đoàn du khách Lào - đoàn du khách quốc tế đầu tiên tham quan di sản Thành nhà Hồ sáng 28-6, sau khi Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới
Di vật quý bằng đất nung vừa phát hiện ở Thành nhà Hồ
Di vật quý bằng đất nung vừa phát hiện ở Thành nhà Hồ
Bi đá và gạch nung có từ triều nhà Hồ
Bi đá và gạch nung có từ triều nhà Hồ
Một đoạn tường thành phía bắc Thành nhà Hồ bị sụt lún
Một đoạn tường thành phía bắc Thành nhà Hồ bị sụt lún
Thành nhà Hồ nhìn từ cổng phía bắc
Thành nhà Hồ nhìn từ cổng phía bắc
Cổng thành phía Nam
Cổng thành phía Nam
Cổng phía Đông thành nhà Hồ.
Cổng phía Đông thành nhà Hồ
Nhân Thống - Phương Nam
(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.