Chùa Đá Trắng - Ngôi chùa cổ đất Phú Yên
17:11, 23/07/2011
Chúng tôi đến chùa Đá Trắng vào buổi sáng sớm. Đứng trên Quốc lộ 1A nhìn lên chỉ thấy một sườn núi toàn đá trắng (đó cũng là lý do để chùa còn có tên Đá Trắng), đi thêm một đoạn nữa mới thấy đường dẫn lên chùa. Sau khi leo lên hàng chục bậc thang đá (cũng có thể đi xe máy lên tận nơi bằng một con đường khác cách đó vài chục mét), ngôi chùa cổ kính hiện ra trên một triền núi bằng phẳng, sương trắng buổi sớm còn bảng lảng, tiếng chuông chùa văng vẳng khiến du khách bỗng thấy lòng vô cùng thanh tịnh...
Chùa Đá Trắng có tên gọi chính thức là chùa sắc tứ Từ Quang, nằm trên địa phận xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên). Chùa được xây dựng từ năm 1797 dưới triều vua Quang Toản (nhà Tây Sơn), do thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 phái Lâm Tế khai sơn. Trước đó, vào năm 1793 thiền sư đã dựng lên thảo am và ở đấy dịch kinh Hoa Nghiêm. Bốn năm sau, thiền sư mới kiến tạo ngôi chùa theo dạng chùa nhà lá mái đồ sộ. Đến năm 1929 chùa bị hỏa hoạn, công tình kiến trúc cổ xưa bị thiêu rụi hoàn toàn, sau đó được tái xây dựng tương tự theo nguyên mẫu chùa cũ. Phía bắc chùa tựa vào dãy núi Xuân Đài, mặt trước chùa hướng về phía Nam, nhìn ra con sông Cái (sông Ngân Sơn) và sông Nhân Mỹ. Với địa thế như vậy, đứng ở phía trước sân chùa, người ta có thể nhìn bao quát một vùng sông, núi xanh biếc tuyệt vời. Vị trí đắc địa này còn tạo cho chùa Đá Trắng trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa của quân dân Phú Yên và là điểm tụ hội của văn thân yêu nước thời chống Pháp. Những năm 1885 – 1887, khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu yêu nước cùng mưu việc chống Pháp, tại Phú Yên, phong trào này do Lê Thành Phương lãnh đạo đã thu hút sự tham gia của hàng trăm sĩ phu và các nhà sư của chùa Đá Trắng. Chùa còn là pháo đài cho đạo quân của Phó tướng Bùi Giảng ngăn chặn quân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu vào Phú Yên. Sau khởi nghĩa Lê Thành Phương, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chùa Đá Trắng còn là căn cứ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ và Trần Cao Vân.
Đến chùa Đá Trắng, du khách không chỉ say mê với những câu chuyện lịch sử mà còn được biết đến một loại sản vật rất ngon, từng được mang tiến vua, đó chính là xoài. Xoài Đá Trắng còn có tên là “xoài Ngự”, “xoài tiến” và được mang hiệu là “Bạch Thạch Yêm Ba”. Tương truyền ngày xưa, các vị sư trụ trì trong ngôi chùa cổ kính này trồng rất nhiều xoài tượng, có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm dịu, vừa ngọt lịm khiến ai đã từng nếm thử đều không thể quên được hương vị của nó. Gọi xoài Đá Trắng là xoài tiến, bởi nó được tiến lên vua cùng với trái lòn bon của Quảng Nam. Những lúc đem quân từ Cù Huân ra Quy Nhơn, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) thường dừng chân ở Xuân Đài để nghỉ ngơi, chuẩn bị lương thảo. Có thể chính vào thời kỳ này Nguyễn Ánh đã nếm vị xoài Đá Trắng và nhớ mãi vị ngon nên sau này ra lệnh cho Phú Yên phải tiến. Hằng năm, cứ đến vụ xoài, các quan cho người về chùa kiểm kê số xoài thu hoạch, đóng sọt chuyển về kinh dâng lên vua, chỉ để lại một số vừa đủ để cúng Phật tổ, đãi khách. Đến đời Minh Mạng, mỗi năm vào Tết Đoan Ngọ, Phú Yên phải cống cho triều đình 1.000 trái xoài Đá Trắng.
Chùa Đá Trắng được vua Thành Thái ban Sắc Tứ vào năm 1889, đến năm 1929 chùa bị hỏa hoạn cháy rụi và được đông đảo bà con phật tử khắp các tỉnh miền Trung quyên góp xây dựng lại. Đến năm 1988, chùa Đá Trắng được trùng tu lần nữa. Hiện trong chùa còn giữ bảo vật là Đại hồng chung nặng 330 cân, do hòa thượng Pháp Ngữ ra Huế đúc vào năm Duy Tân thứ chín và nhiều tượng phật cổ hàng trăm năm tuổi. Ở chùa Đá Trắng còn có vườn tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì ở chùa Từ Quang nằm ở phía tây của chùa. Những ngôi tháp lớn nhỏ nằm xen nhau với kiểu kiến trúc đặc thù, đã nhuốm màu rêu phong qua bao thử thách của thời gian. Nét kiến trúc cổ kính của chùa còn thể hiện ở chiếc cổng chùa cũ (hiện đã không còn sử dụng) và bức tường rào xếp bằng đá bao quanh chùa.
Tạm biệt chùa Đá Trắng, chúng tôi hẹn sẽ quay lại thăm chùa vào dịp lễ hội ngày 11 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội này quy tụ đông đảo người dân khắp nơi về dự hội bởi quan niệm lưu truyền: đến thăm chùa Đá Trắng vào dịp đầu năm sẽ gặp may mắn cả năm. Chuyến thăm chùa đã để lại một ấn tượng sâu đậm đến mức giờ đây, trong trí tôi vẫn hiện lên rõ rệt hình ảnh ngôi chùa cổ kính tịch mịch nằm khuất sau những rặng cây xanh trong sương sớm bảng lảng gợi niềm thành kính thiêng liêng...
Hải Như
Ý kiến bạn đọc