Multimedia Đọc Báo in

Chùa Phật Đá - ngôi chùa có bề dày lịch sử ở đất Tiền Giang

11:22, 09/07/2011

Chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) tọa lạc tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước (Tiền Giang), tuy qui mô không hoành tráng như nhiều ngôi chùa khác, nhưng xưa kia nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn, từng gắn bó với tên làng, tên đất. Nhiều người biết đến chùa không chỉ vì nguồn gốc ra đời có nhiều bí ẩn mà còn vì bề dày lịch sử của chùa.

Chuyện kể rằng: Vào năm 1772 có ông Lương là mục đồng lớn tuổi, người thôn Bà Bèo. Một hôm như thường lệ, ông thả trâu trên cánh đồng hoang, sình lầy rộng lớn. Khi ông cho trâu lội ngang qua Bàu Sọ (nằm giữa Bàu Sấu và Bàu Bèo), gặp phải một tượng đá dài, to lớn đứng thẳng đứng dưới lớp sình dày. Ông liền chạy về báo cho dân làng biết. Các vị bô lão và bà con vội vã chạy đến cùng nhau mang tượng lên xem thì phát hiện đây là pho tượng Phật bằng đá có bốn tay, hai tay trên cầm mặt nhật, mặt nguyệt; hai tay dưới cầm trái châu và tích tượng, đứng trên tòa sen cao khoảng 1,40m. Dân làng vui mừng bàn nhau rước tượng về lập chùa thờ với tên gọi là chùa Phật Đá tại địa điểm cách chùa hiện tại 500m về hướng Tây Bắc. Ông Lương tình nguyện hằng đêm đến thắp hương cho Phật  và trông nom chùa. Từ đó, giữa vùng hoang vu vắng lặng xuất hiện tiếng mõ cầu kinh, cùng những hồi chuông ngắn dài xua đi màn đêm cô tịch. Năm 1789, chùa được một viên quan của triều đình là Bảo Hộ hỗ trợ xây dựng lại khang trang và đặt tên chùa là “Linh Phước cổ tự”, khách thập phương đến cúng viếng ngày một đông.

 
Khi thực dân Pháp xâm lược lục tỉnh, chùa không còn khách vãng lai, trở nên hoang vắng, quạnh hiu. Năm 1886, tượng Phật bị trẻ mục đồng đánh cắp đưa về tận chùa Mục Đồng ở Chợ Bưng. Mãi đến năm 1897, mọi người phát hiện và đưa trở về chùa, sau đó rước cụ Từ Hòa về hộ trì chùa. Đầu thế kỷ XX, khi Pháp cho xáng đào kênh La - com, chùa di dời về chỗ hiện nay với diện tích 7 ha và được Hòa Thượng Thích Quảng Ân (trụ trì) cho xây ngôi chùa mới có 4 nóc rất khang trang. Ông còn cho làm khuôn đúc Phật, đúc được tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay. Tín đồ phật tử tề tựu ngày một đông. Lúc này, chùa được giáo hội Phật giáo công nhận là “Linh Phước cổ tự”.

Năm 1927, chùa được trùng tu, xây tường nối dài nhà Tổ, xung quanh vườn chùa có những cây sao lâu năm cao ngất. Khách thương buôn từ phương xa nhìn hàng sao ấy mà biết địa điểm chùa Phật Đá – Bàu Bèo. Thuở ấy, nhiều bậc anh tài đã đến viếng chùa để lại một số bài thơ, vịnh  phú ca ngợi vẻ đẹp của chùa. Năm 1946, khi Pháp chiếm được Bàu Bèo, chùa Phật Đá bị hư hại nặng. Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, chùa đã mang “đại hồng chung” và tất cả đồ đồng trong chùa đến hiến cho công binh xưởng để chế tạo vũ khí chống Pháp. Hàng trăm cây sao to trong chùa cũng được hiến để làm vật cản chặn tàu địch, bảo vệ vùng giải phóng. Trụ trì chùa cũng tham gia Việt Minh chống Pháp. Hòa bình lập lại, chùa được tái xây dựng, nhưng không bao lâu thì chiến tranh bùng nổ, chùa phải di tản ra Gò Lũy (xã Nhị Bình, Châu Thành, Tiền Giang), sau đó dời về phường 5 thành phố Mỹ Tho. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa cũ chưa kịp khôi phục thì tiếc thay năm 1978, pho tượng Phật bằng đá nguyên bản tại phường 5 bị đánh cắp. Năm 1979 chùa được xây dựng lại trên nền cũ với sự đóng góp của phật tử. Phát huy truyền thống của chùa Phật Đá xưa, Thượng tọa Thích Nhuận Sanh không ngừng chăm lo hành đạo và nhập thế giúp đời, quan tâm đến các hoạt động từ thiện.

Đầu năm 2006, được sự giúp đỡ của Ban trị sự Phật giáo Tiền Giang, Chư tôn Đức tăng ni trong và ngoài tỉnh cùng các tín đồ gần xa tiến hành trùng tu lại ngôi chùa từ Chánh điện đến Hậu tổ khá khang trang như hiện nay với kinh phí 1,6 tỉ đồng. Tượng Phật Đá được phục chế đúng nguyên bản. Ngày nay, đến viếng chùa, du khách sẽ bắt gặp  các chậu hoa kiểng đủ loại được bố trí hài hòa, đẹp mắt trên một nền cao phía trước chùa. Tượng Phật  Quan Thế Âm ngự trên tòa sen được chú tiểu và nhà sư trông nom khá chu đáo, có mái che, đèn điện chiếu sáng. Từ cửa đi vào chánh điện, những tượng Phật thờ vẫn uy nghi trên bệ xây bố trí theo lớp lang, khói hương luôn nghi ngút. Khuôn viên chùa có nhiều bóng cây vừa mát mẻ vừa tạo vẻ thanh tịnh, trang nghiêm.

Lê Quang Huy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.