Lễ hội Mường Đòn xứ Thanh: Tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống người Mường
Theo tục lệ, vào ngày 18 tháng giêng hằng năm, lễ hội Mường Đòn của xã Thành Mỹ (huyện Thạch Thành – tỉnh Thanh Hoá) được tổ chức với nhiều nét văn hoá rất đặc sắc.
Lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ công trạng khai ấp, lập Mường của ông Vũ Duy Dương và em gái ông là bà Vũ Thị Cao người ở Yên Mô (Ninh Bình). Thời Vua Lê Trang Tông, ông là một tướng tài, được giao giữ chức Bang biện tòng thất phẩm văn giai Quận công đô đốc, Tổng trấn vùng đất phía tây Thanh Hóa. Trong một trận giao tranh ác liệt cùng binh tướng nhà Mạc, ông bị chém giữa đám hỗn quân, nhưng vẫn bám chặt mình ngựa về đến Mường Đòn (nơi đóng quân) mới hy sinh. Tưởng nhớ công lao to lớn của ông, Vua Lê Trang Tông ban cho sắc phong là Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần và được dân làng lập đền thờ ở Vân Phong và tôn làm thành hoàng của làng.
![]() |
Diễn tấu cồng Mường, nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội Mường Đòn |
Hội Mường Đòn có thể kéo dài tới 5 ngày với rất nhiều các hoạt động truyền thống thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Mường - Kinh. Vào ngày mùng 1 tết, tất cả đàn ông tuổi từ 52 trở lên (được gọi là các lão Mường) tập trung tại nhà trưởng tộc cùng làm cỗ để mang sang lễ ở đền Ông và đền Bà. Điều đặc biệt, trên mâm cỗ buộc phải có chiếc bánh chưng được gói từ 10 đấu gạo nếp thơm. Khi gói, nghiêm cấm để bất kỳ hạt gạo nào vỡ lẫn vào, bánh phải dày 10 phân. Hội đồng già làng theo dõi chặt chẽ từ các khâu chọn lá, chọn gạo, làm khuôn và kích cỡ cho đến khi bánh được vớt ra khỏi nồi. Lễ ngày tết chủ yếu chỉ khấn cầu thành hoàng phù hộ độ trì cho con cháu trong làng năm mới làm ăn phát đạt, tránh mọi bệnh tật, gặp nhiều may mắn...
![]() |
Thiếu nữ Mường hát múa văn nghệ trong ngày hội làng tại đình làng |
Những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương và cả khách tứ xứ đều thoải mái vui những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đánh mảng, hát bội, hát séc bùa, dự hội cồng chiêng. Và khi thời gian của lễ hội kết thúc, mọi người ra về nhưng trên môi ai cũng đều đọng lại nụ cười tươi tắn của mùa xuân núi rừng nơi đây.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhưng công trạng của các bậc tiền bối có công với đất nước, dân tộc vẫn được các thế hệ vùng Mường Đòn tôn vinh và ghi nhớ. Đến xứ Thanh với lễ hội Mường Đòn- một lễ hội tiêu biểu cho vùng đồng bào dân tộc Mường, du khách còn có thể đi tham quan di chỉ khảo cổ học Hang Con Moong ở xã Thành Yên và nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn khác của huyện này.
Nguồn LĐ, Khonggiantre.com
Ý kiến bạn đọc