Multimedia Đọc Báo in

Phú Quốc – Đảo ngọc phía tây nam của Tổ quốc

08:20, 16/03/2012

Phú Quốc, như tên gọi của nó là “miền đất giàu có”, nằm ở phía tây nam của Tổ quốc trong vùng vịnh Thái Lan, trải dài từ vĩ độ 9 độ 53’N đến 10 độ 28’N và kinh độ 103 độ 49’E đến 104 độ 05’E. Từ lâu, Phú Quốc đã trở nên nổi tiếng với khách du lịch khắp mọi miền đất nước và quốc tế, không chỉ vì  đây là một hòn đảo du lịch xinh đẹp vốn được mệnh danh là “thiên đường rực nắng”, mà còn bởi nơi đây chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà không phải ai cũng có thể khám phá hết được.

Chỉ cần gần một giờ bay từ TP. Hồ Chí Minh hoặc khoảng 3 tiếng đi tàu thủy cao tốc từ cảng Rạch Giá (Kiên Giang) là du khách đã có thể đặt chân lên đảo. Phú Quốc hiện ra hùng vĩ, lộng lẫy như một hòn ngọc lung linh sắc màu. Với diện tích gần 600 km2, nằm cách Hà Tiên 40km và Rạch Giá 100 km, Phú Quốc là đảo lớn nhất của nước ta. Thiên nhiên hào phóng kiến tạo cho Phú Quốc 99 ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp thoai thoải dồn về phía nam; trùm lên gần hết đảo là những cánh rừng già nhiệt đới ngút ngàn, ẩn chứa một bảo tàng sinh vật cảnh vô cùng phong phú, đa dạng. Đan xen giữa những cánh rừng già là những cánh đồng trũng, thấp và những bờ cát phẳng lì, mịn màng như dải lụa vàng trải dài trong biển xanh thuần khiết, tinh khôi, tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Từ lâu Phú Quốc được biết đến là một vùng có môi trường sinh thái lý tưởng, hội tụ đủ mọi điều kiện thiên nhiên, con người, muôn thú, cỏ cây sinh sống và phát triển. Tuy vậy, phải qua những bước đi thăng trầm của lịch sử đấu tranh cách mạng, Phú Quốc đã không ít lần đối mặt với nguy cơ bị tàn phá nghiêm trọng. Trước năm 1975 Phú Quốc đã bị giày xéo bởi những ấp chiến lược, đồn bót dày đặc của Mỹ - Ngụy. Thời điểm đó kẻ thù đã mưu toan biến nơi đây thành một chiến trường đầy rẫy những chết chóc và tội ác chiến tranh. Nếu trước năm 1975, Phú Quốc chỉ có vỏn vẹn 21 nghìn dân và hầu hết bị địch dồn ép vào trong các ấp chiến lược, đến nay con số này đã gần 90 nghìn người. Khoảng 1/3 dân số trên đảo sinh sống và phát triển bằng nghề đánh bắt hải sản. Theo thống kê của phòng Thủy sản huyện Phú Quốc, riêng năm 2008 ngành đánh bắt hải sản đã mang về cho Phú Quốc 250 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Một lợi thế ít nơi nào có được là phần lớn hải sản ngư dân trên đảo đánh bắt được đều được thu mua và chế biến tại chỗ, rất thuận tiện và bảo đảm chất lượng.

Nói về hải sản của Phú Quốc, trước tiên phải kể đến nước mắm. Từ một làng nghề truyền thống, đến nay trên đảo đã hình thành một hiệp hội công nghiệp sản xuất nước mắm với gần một trăm cơ sở, mỗi năm chế biến được khoảng 10 triệu lít nước mắm có độ đạm cao và an toàn cho người tiêu dùng. Không những là mặt hàng được ưa chuộng trong nước mà sản phẩm nước mắm Phú Quốc còn được độc quyền xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Nhật, Pháp, Trung Quốc…thu về một lượng ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Thương hiệu nước mắm được đăng ký, bảo hộ độc quyền trên toàn thế giới. Ngoài những đặc sản có nguồn gốc từ biển, ở Phú Quốc còn có đặc sản khác xuất xứ từ rừng, đó là rượu sim. Cây sim rừng mọc ở nhiều nơi tại Việt Nam, nhưng dường như chỉ có ở Phú Quốc  người ta mới chế biến nó thành một  thứ rượu vang sim đặc sản mang đậm phong vị của núi rừng. Trái sim được hái về rửa sạch, chọn quả chín mọng xay nhuyễn và ủ lên men với đường cát theo một tỷ lệ nhất định trong môi trường hiếm khí từ 40 đến 45 ngày. Sau khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh ta sẽ được một loại rượu màu hồng, uống có vị cay chua ngọt gần giống như rượu vang nho với nồng độ khoảng 11,5% độ cồn. Phú Quốc đã có gần 30 cơ sở chế biến rượu sim với quy mô lớn. Rượu sim còn có tác dụng chữa bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, nhức mỏi cơ thể, rối loạn tiêu hóa. Chính vì vậy, sản phẩm này là món quà không thể thiếu mỗi khi khi du khách tới đây.

Đến với Phú Quốc không thể không tới thăm những vườn hồ tiêu. Hồ tiêu cũng là thế mạnh của vùng này sau nước mắm và rượu sim. Một thời cây tiêu đã từng đưa đời sống kinh tế của người dân Phú Quốc từ chỗ nghèo đói trở thành khá giả. Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm, cay nồng và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu của những vùng miền khác. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín phơi riêng gọi là tiêu chín, những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội. Do nhu cầu của thị trường, người dân đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ. Trong các loại tiêu thì tiêu chín là loại được ưa chuộng nhất.

So với các ngành nghề truyền thống thì lĩnh vực dịch vụ du lịch đối với Phú Quốc còn khá mới mẻ, còn rất nhiều việc phải làm để tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình. Hiện nay, Phú Quốc đã thu hút rất nhiều các dự án đầu tư về dịch vụ du lịch. Sân bay Phú Quốc được nâng cấp thành sân bay quốc tế. Cùng với đó là các khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao cũng đang được xây dựng. Hy vọng trong tương lai gần ngành công nghiệp không khói sẽ chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của hòn đảo này. Với vị trí địa lý chiến lược về an ninh quốc phòng, kết hợp có điều kiện tự nhiên ưu đãi, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 633/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên của đảo nằm trong phạm vi điều chỉnh là 58.923ha, bao gồm toàn huyện đảo Phú Quốc. Dự báo đến năm 2020, khách du lịch đến Phú Quốc khoảng 2-3 triệu khách/năm (khách quốc tế chiếm 35-40%); Phú Quốc sẽ được xây dựng theo hướng phát triển bền vững; hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường. Từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Nguyễn Thanh Điệp


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm