Multimedia Đọc Báo in

Na Hang - Bức tranh thiên nhiên trên hồ thủy điện Tuyên Quang

14:32, 02/05/2012

Nằm ở vùng cao phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, trên vòng cung sông Ngâm, với hơn 83% diện tích tự nhiên là rừng, Nà Hang tự hào với sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái đa dạng. Nơi đây còn được biết đến bởi nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc.

Nà Hang có nhiều ngọn núi, có những cánh rừng nguyên sinh và những con suối. Dòng sông, thác nước tuyệt đẹp là tài sản quý mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng. Dòng sông Ngâm, sông Năng, những đỉnh núi cao Khuổi Tong, Loong Noòng, Bản Luốc, Pịa, Pắc Tạ... đã từng đi vào thơ, vào nhạc, gắn với các câu chuyện huyền thoại đậm tính nhân văn.
Khu bảo tồn đặc dụng Tác Kẻ - Bản Bung, rộng gần 42 km2, ôm gọn trong lòng cả 5 xã: Côn Lôn, Khau Tinh, Sơn Phú, Vĩnh Yên, Thanh Tương, được chia cắt bởi sông Năng và sông Gâm. Hệ thống suối của hai con sông này tạo thành hệ thủy vực quan trọng của khu bảo tồn. Rừng ở đây phong phú về hệ động thực vật quý hiếm (gồm 40 loài thú, 70 loài chim, 20 loài bò sát và 17 loài thực vật bậc cao), tiêu biểu là các loài động vật nằm trong Sách Đỏ như: voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa…, hay những cây gỗ đinh, nghiến, trai... quý hiếm hàng nghìn năm tuổi. Khu bảo tồn có vai trò đặc biệt quan trọng là bảo vệ nguồn nước cho hồ thủy điện Tuyên Quang, điều tiết lũ ở vùng hạ lưu và chắc chắn đây chính là điểm du lịch sinh thái, mạo hiểm vô cùng hấp dẫn.

Đến Nà Hang chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên hồ thủy điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, quý khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được xếp hạng là thắng cảnh quốc gia. Theo những người dân nơi đây kể lại, truyền thuyết về thác Mơ là câu chuyện đầy cảm động về vợ chồng nàng Mơ sinh sống dưới chân núi Pắc Ban. Một ngày, người chồng đi hái thuốc trong rừng mà mãi không về. Nàng Mơ băng rừng đi tìm chồng nhiều ngày rồi lạc trong rừng. Một ngày kia, nàng hóa thành một dòng thác trắng xóa.

Dọc đường, quý khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, ghé thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá khoảng 10.000 năm)... Những cánh rừng nguyên sinh có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài voọc mũi hếch được ghi trong Sách Đỏ thế giới.
Phóng xa tầm mắt quý khách sẽ thấy núi Pắc Tạ, ngọn núi cao nhất của huyện Hà Hang có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu. Xa chút nữa là núi Xa Tạ hay còn gọi là núi Côn Lôn. Câu chuyện truyền thuyết về núi Pắc Tạ kể về chú voi nghiện rượu có công đánh giặc và được vua phong là Voi quận công hóa đá. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Bà theo chồng kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng và bị tử nạn, đã được một người họ Ma vớt, táng ngay chân núi. Vua cho dựng đền thờ ngay tại nơi chôn cất và giao cho người họ Ma trông coi. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng và du khách khắp nơi thường đến nơi đây cầu nguyện. Cũng trên đường du ngoạn bằng thuyền, du khách sẽ ghé thăm và thắp hương ngôi đền Pắc Vãng là nơi thờ Quan đế đại thần và thờ Mẫu.

Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Đi tiếp nữa là gặp thác Nậm Mè (nghĩa là suối mẹ). Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước. Bên bờ trái đoạn chia cắt thị trấn Nà Hang với xã Trùng Khánh (cũ) có vách đá tên gọi là “Nàng Tiên - Chú Khách”. Du khách có thể hình dung trên vách đá có hình ảnh Nàng Tiên - Chú Khách đang chơi vơi giữa chốn bồng lai tiên cảnh và hạ giới. Vách đá này cũng gắn liền truyền thuyết rất hay và cảm động. Đến đây quý khách còn được nghe về sự tích hoa Phạc Phiền, một loài hoa cỏ tiên có hương thơm ngào ngạt có thể chữa được mọi ưu phiền làm cho người khỏi bệnh. Tiếp đến du khách sẽ gặp những thác nước như Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang đổ như mái tóc của người thiếu nữ buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ.

Thủy điện Nà Hang
Thủy điện Nà Hang

Tạo hóa nơi đây báo hiệu cho người dân một quy luật rất nghiêm ngặt khi đi thuyền mảng trên sông vào mùa lũ. Đó là trên vách đá có những lỗ nhỏ gọi là Đăng Vài (có nghĩa là mũi trâu). Cứ vào mùa lũ, bà con có kinh nghiệm hễ nước sông thấp hơn mũi trâu thì có thể qua được còn nếu ngập ngang mũi trâu phát ra tiếng nước réo (trâu thở) thì rất nguy hiểm, thuyền bè không qua được. Đoạn sông Năng qua xã Đà Vị người ta không gọi là sông Năng mà gọi là sông Ngang, đến thượng nguồn sông Gâm có núi Đổ. Sông Ngang, núi Đổ nghe như có vẻ thiên nhiên thật hung dữ thách thức sự chinh phục của con người. Nhưng hết mùa lũ sông lại hiền hòa như bàn tay người mẹ bồi đắp phù sa cho những cánh đồng tươi tốt.

Nà Hang được biết đến bởi sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng văn hóa đa dân tộc như: Tày, Dao, Mông... Các dân tộc ở Nà Hang đã tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc, một vùng âm nhạc dân gian độc đáo với những làn điệu then, sli, lượn... cùng với tiếng đàn tính, tiếng kèn làm say đắm lòng người. Nà Hang ngoài phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vùng văn hóa đa dạng, còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, các món cá đặc sản của vùng hồ. Đặc biệt, Nà Hang có rượu ngô men lá ngon nổi tiếng. Thứ rượu này uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say xỉn. Để làm được thứ rượu thơm ngon này, phải qua một quy trình rất công phu. Nếu ai đã từng được thưởng thức thứ rượu thơm ngon nơi đây, có lẽ sẽ nhớ mãi cái hương vị đậm đà khó quên này. Nhằm phát huy giá trị văn hóa và tạo sự hấp dẫn thu hút du khách...

G.T (Giới thiệu)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.