Huyền tích Mỹ Sơn
Trên 100 năm trước, khi phát lộ ra khu di tích Chăm Mỹ Sơn, hầu hết các nhà khoa học Pháp đều thống nhất với nhau rằng: Mỹ Sơn cộng với các di tích Chăm dọc miền Trung Việt Nam đã đủ các yếu tố để nghiên cứu văn hóa Chămpa cổ qua kiến trúc. Và hơn 100 năm sau, đến nay nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang trong mình nhiều tầng nấc văn hóa ấy dường như vẫn còn nhiều “ẩn số” đối với những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Vùng đất của thần linh…
Khu di tích Mỹ Sơn nằm gọn trong một thung lũng hẹp có đường kính khoảng 2km, thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1895, một toán lính Pháp tình cờ phát hiện ra quần thể tháp Chăm Mỹ Sơn trong một khu rừng rậm rạp. Từ thông tin này, các nhà khoa học người Pháp đã tiến hành khám phá, sau đó phát lộ ra khu di tích có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa và lịch sử mang tên Mỹ Sơn ngày nay.
Khu di tích Chăm Mỹ Sơn - Di sản Văn hóa thế giới… |
Theo nhiều tài liệu khoa học, khi phát lộ ra khu di tích này, các nhà khoa học đã thống kê có khoảng 70 ngôi đền tháp vừa và nhỏ theo kiến trúc Chămpa trên các ngọn đồi bao quanh thung lũng. Tiếc rằng, sau này do ảnh hưởng của bom đạn trong chiến tranh nên nhiều ngôi đền đã bị tàn phá. Đến nay, khu di tích chỉ còn lại khoảng 20 công trình không còn nguyên vẹn. Ngày 4-12-1999, Ủy ban Di sản thế giới đã chính thức công nhận Khu di tích Chăm Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới.Theo tài liệu tại Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, lịch sử khu đền tháp Mỹ Sơn bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13. Theo nội dung một tấm bia có niên đại khá sớm ở Mỹ Sơn cho biết: Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6, một vị vua có tên là Bhadravaresvara đã cho xây dựng ở đây một ngôi đền bằng gỗ để thờ thần Siva. Vị vua này truyền dâng cho thần Siva vùng đất này vĩnh viễn. Từ đó về sau, theo lời truyền dụ của vị vua này, các đời vua tiếp theo mỗi khi lên ngôi đều xây dựng một ngôi đền thờ thần Siva. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng, ở Mỹ Sơn có bao nhiêu ngôi đền thì có ít nhất chừng đó số người đã làm vua ở đây, có bao nhiêu ngọn đồi ở Mỹ Sơn thì ở đây có bấy bao nhiêu triều đại đã thay nhau cầm quyền. Tiếc rằng, từ thế kỷ thứ 4 đến cuối thế kỷ thứ 5, đền thờ ở Mỹ Sơn đều được xây dựng bằng gỗ. Cuối thế kỷ thứ 5, khu đền này bị cháy rụi trong một trận hỏa hoạn mà chưa rõ nguyên nhân. Đến nay, số lượng cũng như kiểu dáng các ngôi đền xây dựng trong giai đoạn này vẫn không thể xác thực được. Người ta chỉ đưa ra giả thuyết loại trừ khả năng hỏa hoạn do nguyên nhân hương khói, bởi lập luận: ngày xưa ở đây người ta dùng nước để hành lễ chứ không phải dùng hương!
Đến cuối thế kỷ thứ 7, sau khi ổn định lại đất nước, một vị vua có tên Sambhuvarman cho xây dựng một ngôi đền bằng gạch đầu tiên. Từ đó, các vị vua nối ngôi cũng đều cho xây đền thờ thần Siva trên vùng đất này. Đến sau thế kỷ thứ 13, hầu như các vương triều Chămpa ổn định kinh đô ở Đồ Bàn, và người ta chấm dứt công việc xây dựng đền tháp ở đây. Sau đó, khi giới quý tộc Chămpa sụp đổ thì những người bình dân hoàn toàn không biết có một khu đền tháp ở khu vực này. Mỹ Sơn từ đó rơi vào quên lãng… Sở dĩ những người bình dân không biết được khu đền tháp Mỹ Sơn, theo các nhà nghiên cứu thì trong xã hội Hinđu, khoảng cách từ nhân dân với triều đình là rất xa. Mỹ Sơn chỉ là hệ thống đền thờ thần của các nhà vua. Theo nguyên tắc trong xã hội Hinđu, chỉ có giáo sĩ mới có quyền vào đền. Còn những đẳng cấp khác, dù đó là người cầm quyền hay cầm vũ khí đều phải đứng ở phía ngoài. Có lẽ đây là lý do mà Mỹ Sơn bị quên lãng hơn 500 năm? Cũng theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, căn cứ theo “ý chỉ” của vị vua Bhadravaresvara là dâng hiến đất cho thần Siva, cùng với quan niệm của Hinđu giáo là chỉ có “thần” chứ không có “thánh”, nên Mỹ Sơn không phải là “Thánh địa” như một số người vẫn gọi…
Mỹ Sơn – Bảo tàng nghệ thuật vô giá!
Đến với Mỹ Sơn người ta có thể “mắt thấy, tay sờ” những mảng tường gạch cổ nhất Việt Nam, từ thế kỷ thứ 8, vẫn còn đứng được ở đây, và ngôi đền “trẻ” nhất được xây dựng ở Mỹ Sơn (thế kỷ thứ 13) cũng may mắn còn tồn tại với những nét chạm trổ tinh xảo đặc trưng của các phong cách nghệ thuật Chămpa. “Phép màu” nào đã làm nên điều kỳ diệu ấy? Câu hỏi đó đến nay vẫn là điều bí ẩn kích thích sự khám phá của các nhà khoa học.
Du khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. |
Đến với Mỹ Sơn, chúng ta chỉ có thể nhận ra kiến trúc các ngôi đền ở thế kỷ thứ 8 không giống thế kỷ thứ 9. Tương tự, các công trình xây dựng từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 cũng có những nét đặc trưng khác biệt. Cùng với đó là các mô tuýp trang trí theo thân tường cũng thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi của các hình thái kiến trúc và mỹ thuật này đã phần nào cho ta hiểu tiến trình phát triển lịch sử - văn hóa trong giai đoạn này. Các công trình nghiên cứu đã cơ bản thống nhất rằng, ban đầu cư dân Chăm cổ Việt Nam có hình thức sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật… chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ. Nhưng đến sau thế kỷ thứ 9, khi người Chămpa có những mối giao lưu khác ngoài Ấn Độ thì người ta tìm thấy sự hiện diện của nét văn hóa và kiến trúc Inđônêxia có mặt ở Mỹ Sơn. Sau thế kỷ thứ 10, kiến trúc đền thờ ở Mỹ Sơn lại có bóng dáng của những mái đình, mái chùa vùng miền Bắc nước ta. Có một chi tiết thú vị là, lâu nay người ta vẫn nghĩ đến kiến trúc độc đáo của Chămpa là những công trình kỳ bí làm bằng gạch. Tuy nhiên, ở Mỹ Sơn lại có một ngôi đền bằng đá. Dẫu rằng ngôi đền này không còn nguyên vẹn, nhưng những tàn tích còn sót lại cũng có đủ căn cứ khoa học để chứng minh đây là ngôi đền bằng đá duy nhất của di tích Chămpa ở nước ta.
Sau nhiều năm gắn bó với công tác trùng tu, nghiên cứu tại Mỹ Sơn theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam-Ba Lan, kiến trúc sư người Ba Lan Kazik đã phải thốt lên: “Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ - thâm nghiêm - hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn hiện đang là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Và di sản này với những huyền tích bí ẩn vẫn đang đợi các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa dày công giải mã!…
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc