Sông Gianh - chiến công và chứng tích
Là hệ thống sông lớn nhất Quảng Bình, sông Gianh có chiều dài 160 km, bắt nguồn từ vùng núi Phu Cô Pi thuộc dãy Trường Sơn, chảy vắt ngang qua phần lớn địa phận tỉnh Quảng Bình trước khi đổ ra Biển Đông.
Xuôi theo dòng chảy lịch sử, sông Gianh từ lâu được biết đến là đường ranh lửa đạn nằm giữa lòng nước Việt. Trong “Đại Nam nhất thống chí” (1875), sông Gianh còn được gọi bằng cái tên Linh Giang. Sự đúc kết tinh tế của người xưa thể hiện qua những xóm làng trù phú hưởng lợi từ đôi bờ phù sa đỏ nặng cùng nguồn lợi thủy sản dồi dào. Sông Gianh linh thiêng và huyền bí với đặc tính lòng sông rộng, đáy sông sâu và dòng chảy lúc hiền hòa, khi khó tính đã che chở và gội rửa cho biết bao thân phận trong triền miên đau thương của những cuộc chiến thù trong, giặc ngoài.
Năm 1069, quốc gia Đại Việt đứng trước bối cảnh một mặt bị nước Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược từ phía bắc; còn ở biên giới phía nam, quân Chiêm Thành lại đang dốc sức đánh phá. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược, đích thân nguyên soái Lý Thường Kiệt đã lĩnh ấn tiên phong, chỉ huy 5 vạn quân và vài trăm chiến thuyền, đánh bại quân Chiêm Thành trên sông Gianh, đưa Quảng Bình về với Đại Việt. Sông Gianh từ đó trở thành phên giậu chiến lược ở phía nam, tạo tiền đề cho những triều đại phong kiến tiếp theo củng cố thế và lực để mở cõi xuống phương nam.
Tượng đài chiến thắng Sông Gianh. |
Năm 1471, cũng trong một lần chinh phạt Chiêm Thành, khi hành quân đến sông Gianh, vua Lê Thánh Tông đã cho quân nghỉ ngơi rồi tận mắt nhìn thấy dân tình, cỏ cây nơi biên viễn cuối trời Đại Việt đẹp đẽ dường ấy mà phải chịu bao phen binh đao, máu lửa. Tức cảnh sinh tình để rồi áng thơ bất hủ đẹp như bức tranh thủy mặc “Linh Giang Hải Tấn” (Cửa biển sông Gianh) của nhà vua yêu nước, thương dân đã được ra đời: “Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu/Dân hòa giọng quých nói líu lo...”.
Sinh ra giữa vòng quay tàn khốc của chiến tranh, bên cạnh sự thống khổ phải gánh chịu, người dân đôi bờ sông Gianh còn trui rèn được ý chí sắt đá và cả mưu trí để lần lượt đánh bại những mưu đồ thôn tính nước ta từ giặc giã phương Bắc. Điều đó thể hiện trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285) hay khi đánh đuổi giặc Minh đô hộ (1407 – 1414), tên tuổi dòng Gianh và những con người dũng cảm như Trần Nguyên Hãn, Đặng Tất, Đặng Dung... còn mãi lưu truyền sử xanh. Sông Gianh còn được nhắc nhớ nhiều hơn khi cuộc xung đột vũ trang Trịnh – Nguyễn nổ ra. Trong cuộc nội chiến dai dẳng này, sông Gianh thường là ranh giới “hưu chiến” giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong sau những lần vượt sông, tấn công hay rút lui của hai bên. Quân Trịnh với thế chủ động lớn hơn đã làm chủ sông Gianh, nhiều lần vượt qua chiến tuyến lịch sử này để đánh quân của chúa Nguyễn, nhưng rốt cuộc phải lui về bắc sông Gianh, để họ Nguyễn làm chủ Đàng Trong.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xét thấy hạ nguồn sông Gianh sở hữu một vị trí trọng yếu, địch đã cho triển khai tại các làng mạc ven sông thành những tuyến boong ke chiến lược. Để nới rộng địa bàn chiếm đóng lên các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn, Pháp phải bắt buộc tấn công và kiểm soát bằng được hai thôn Phù Trịch, xã Quảng Lộc và thôn La Hà, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn). Toan tính ấy đã bị quân và dân ta đánh trả bất ngờ bằng trận chống càn ngày 27-2-1950. Chiến thắng Phù Trịch – La Hà đã chặn đứng ý đồ mở rộng vùng tạm chiếm bằng cách dùng thuyền chiến, ca nô, quân lính, súng đạn, đại bác, ca nông... từ bờ bắc đổ bộ sang bờ nam sông Gianh của Pháp. Sau tiếng vang của trận chống càn này, quân dân hai bên sông Gianh đã củng cố được lòng tin, tạo nên bước đột phá mới cho những cuộc tấn công tiếp theo vào các bốt, đồn hương vệ kiên cố của địch.
Bình minh trên sông Gianh. |
Những tháng năm đánh Mỹ, đôi bờ sông Gianh tiếp tục trở thành tọa độ lửa khi mà phần lớn con người và khí tài chiến tranh muốn vận chuyển vào Nam đều phải được tập kết ở phà Gianh, cảng Gianh rồi lựa thời cơ để qua sông. Cảng Gianh còn được biết đến là điểm xuất phát của tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi những con tàu không số ngày đêm cảm tử xuôi Nam, mang theo sức người, sức của của hậu phương miền Bắc. Đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá cửa ngõ chiến lược này bằng những vũ khí hiện đại chúng có trong tay.
Tại bến cảng sông Gianh ngày 5-8-1964, trong trận đầu giáp chiến với các loại máy bay tối tân của Mỹ lúc bấy giờ như F8U, F105, AD6 (riêng AD6 một lúc có thể mang theo 3,6 tấn bom), các chiến sĩ hải quân Việt Nam phối hợp với quân dân Quảng Bình và bộ đội phòng không đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, đánh trả máy bay Mỹ khiến 3 chiếc bị bắn rơi và 1 chiếc bị thương. Chiến thắng trận đầu này trên đất Quảng Bình đã cổ vũ khí thế đánh Mỹ cho quân và dân cả nước. Ở sông Gianh sau đó, trên từng con sóng vẫn căm hờn hứng chịu bom đạn hủy diệt từng giờ, nhưng cán bộ, chiến sĩ phà Gianh luôn "Đầu đội bom, chân đạp phà, tay lái, miệng hát bài ca chiến thắng" để chở bộ đội, hàng hóa phục vụ công cuộc đánh thắng Mỹ, thống nhất Tổ quốc.
Sông Gianh qua bao cơn tao loạn trên thân mình mang đầy chiến công và chứng tích. Sông Gianh nay đã nối đôi bờ bằng chiếc cầu kết cấu vĩnh cửu từ bê tông cốt thép. Tượng đài chiến thắng Sông Gianh, cảng Gianh, cầu Gianh… hôm nay sừng sững và uy nghi dưới trời xanh chính là điểm tựa lịch sử vững vàng, minh chứng cho sự chuyển mình và đi lên của vùng đất nơi đôi bờ con sông huyền thoại này.
Ý kiến bạn đọc