Multimedia Đọc Báo in

Đình làng An Vĩnh - Minh chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo Việt Nam

12:14, 09/03/2019

Đình làng An Vĩnh là di tích lịch sử đặc biệt của huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), một trong những minh chứng hùng hồn góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đình tọa lạc ở làng An Vĩnh thuộc xã An Vinh, huyện Lý Sơn. Đây là một trong những ngôi đình có niên đại sớm nhất ở Quảng Ngãi. Theo các văn bản chữ Hán hiện còn lưu giữ tại Lý Sơn, đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Ban đầu, đình được dựng bằng cột gỗ, vách đất, mái lợp tranh. Đến năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1798), đình được tu bổ xây mới. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), đình bị quân nhà Thanh cướp phá. Năm Khải Định thứ 5 (1920), đình được xây lại trên nền cũ với quy mô hoành tráng theo kiến trúc chữ “tam”, gồm đình thượng, đình trung và đình hạ. Năm 1922, đình bị bão lớn làm hư hại nặng. Năm 1953, quân Pháp thả bom làm sập mái trước của đình, sắc phong bị cháy. Dấu tích cũ và nhiều hiện vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa cũng bị mất dần. Đến năm 2009, đình An Vĩnh được Nhà nước đầu tư nghiên cứu, trùng tu, phục dựng lại như cũ.

Đình làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Đình làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.

Từ khi được xây dựng, đình làng An Vĩnh luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân làng An Vĩnh nói riêng, huyện đảo Lý Sơn nói chung, là di tích đặc biệt khẳng định chủ quyền biển đảo, ghi dấu lịch sử nước nhà.

Trong thời phong kiến, để xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, triều đình nhà Nguyễn cho lập Hải đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy người làng An Vĩnh luân phiên sung vào, định kỳ vào tháng 3 âm lịch hằng năm mang theo lương thực cho 6 tháng, đi trên 5 chiếc thuyền ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thi hành công vụ. Trước khi xuất quân, tất cả quân lính tập trung ở sân đình An Vĩnh cùng các chức sắc trong làng làm lễ tế cáo thần linh, cầu mong bình an. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, Hải đội cũng sẽ làm lễ cảm tạ thần linh, tổ tiên tại đình.

Đình làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Đình làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.

Hơn 200 năm qua, đình làng An Vĩnh luôn được chính quyền, nhân dân, nhất là các thế hệ của 13 dòng họ lớn trên đảo Lý Sơn hết lòng gìn giữ, bảo vệ. Hiện nay, đình là nơi 13 dòng họ tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 19-3 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ, tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã nghe theo tiếng gọi hồn thiêng sông núi, vâng mệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc dựng bia để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc thiêng liêng.

Đình An Vĩnh không chỉ là nơi hun đúc tinh thần, tín ngưỡng của người dân Lý Sơn mà còn là một di tích lịch sử có giá trị đặc biệt trong việc minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đình làng An Vĩnh được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là di sản phi vật thể. Đây là niềm tự hào lớn lao của nhân dân huyện đảo Lý Sơn.

Phạm Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.