Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo Dinh thự vua Mèo

15:04, 27/08/2020
Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở thung lũng Sà Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) có tuổi đời gần 100 năm là công trình kiến trúc độc đáo, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn.
 
Hơn một thế kỷ trước, họ Vương là gia tộc quyền lực nhất Hà Giang. Giàu có nhờ nghề trồng và buôn thuốc phiện xuyên biên giới, ông Vương Chính Đức là người duy nhất được đồng bào Hmông ở đây suy tôn làm vua Mèo, chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Dinh thự được khởi công năm 1919 và hoàn thành vào năm 1928, có diện tích gần 3.000 m 2, được chia thành ba khu: tiền cung, trung cung và hậu cung với 64 phòng lớn, nhỏ dành cho 100 người ở. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng tiền Việt Nam bây giờ.
 
Dinh thự vua Mèo thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Dinh thự vua Mèo thu hút nhiều du khách đến tham quan.

 Dinh thự vua Mèo ảnh hưởng kiến trúc của nền văn hóa Trung Quốc, Pháp và người Hmông nên vừa mang chút huyền bí, cổ kính, lại vừa giản dị, gần gũi. Bước vào khu dinh thự, ấn tượng đầu tiên là những hàng cây sa mộc thẳng đứng, xanh mướt quanh năm. Chiếc cổng đá của dinh thự hiện lên bề thế với nhiều kiểu hoa văn chạm trổ tinh tế. Các chi tiết của ngôi nhà được điêu khắc cầu kỳ, khéo léo mang biểu tượng của sự phú quý, hưng thịnh như: chân cột nhà khắc hình cuống quả thuốc phiện và được mài bóng bằng bạc trắng; trụ cầu thang cũng là tác phẩm điêu khắc bằng đá quý, mang bóng dáng của cây hoa anh túc… Ban đầu, toàn bộ gỗ làm trong ngôi nhà đều là gỗ thông đá nhưng hiện nay 60% vật liệu gỗ đã được thay thế bằng gỗ lim và gỗ nghiến. Việc trùng tu được tiến hành trên nguyên tắc bảo tồn, vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc độc đáo.

Trước khi bắt tay vào xây dựng dinh thự đồ sộ này, ông Vương Chính Đức đã tính toán đây là pháo đài, có khả năng phòng vệ và chiến đấu nên bao quanh khu dinh thự là lớp tường đá dày 60 – 70 cm, cao 2 m, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Bên trong dinh thự còn có kho chứa thuốc phiện, vũ khí, lương thực...

“Thời điểm xây dinh thự không hề có máy móc, công cụ trợ giúp nên dinh thự vua Mèo được xây dựng hoàn toàn thủ công. Chính vì vậy mà nơi đây có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn” – chị Vương Thị Chở, cháu nội thế hệ thứ tư của ông Vương Chính Đức.

Người bán vé và kiêm hướng dẫn viên giới thiệu về dinh thự hiện nay là chị Vương Thị Chở, cháu nội thế hệ thứ tư của ông Vương Chính Đức. Được sinh ra và lớn lên trong tòa dinh thự nên chị Chở rất am hiểu về các chi tiết, đồ vật trong ngôi nhà cũng như chuyện kể về cha ông mình. Chính sự gắn bó với nơi này và tình cảm gia tộc nên những nội dung thuyết minh của chị luôn sinh động, cuốn hút du khách. Chị Chở chia sẻ: "Tôi rất tự hào khi dinh thự được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Trải qua bao biến động của thời gian và chiến tranh, dinh thự nhà Vương vẫn kiêu hãnh khoe nét đẹp bề thế, uy nghi giữa núi rừng Tây Bắc".

Đến thung lũng Sà Phìn ngoài tham quan ngôi dinh thự cổ trăm năm tuổi có kiến trúc độc đáo, du khách có thể kết hợp khám phá những địa điểm xung quanh gần đó như ghé chợ phiên Sà Phìn để mua sắm, ngắm nhìn cảnh quan núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thưởng thức đặc sản vùng cao với món bánh tam giác mạch, trứng nướng nóng hổi...
Như Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.