Cách phòng, trừ bệnh rệp sáp hại cây cà phê
Rệp sáp gây hại quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều nhất trong mùa khô hanh. Mùa khô năm nay, thời tiết của khu vực Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nắng nóng, khô hanh gay gắt nên càng tạo điều kiện cho rệp sáp gây hại cà phê phát triển nhanh và lan ra diện rộng.
Rệp sáp thường sống tập trung, gây hại ở nhiều bộ phận của cây cà phê như: kẽ lá, chồi non, cuống của chùm hoa, chùm quả… để hút nhựa. Vì vậy, nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu sẽ làm cây kém phát triển, rụng lá, giảm năng suất, sản lượng, thậm chí chết cây.
Để phòng trừ rệp sáp, các chuyên gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cùng các ngành chức năng ở tỉnh khuyến cáo bà con nên cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành tược nằm trong tán lá để vườn cây thông thoáng. Thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mọc tụ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến. Dùng máy bơm xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp đeo bám có tác dụng rửa trôi bớt rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật số rệp. Thường xuyên kiểm tra (10 ngày/lần) để phát hiện sự xuất hiện của rệp sáp ở trên lá, cành, chùm quả, thân, phần thân giáp với mặt đất và phần rễ trong đất. Nếu thấy có rệp dù ở mật số thấp cũng phải diệt trừ ngay vì rệp sáp sinh sản rất nhanh.
Ông Lê Hải Lý (thôn 6, xã Cư Né, huyện Krông Buk) phun nước trừ rệp sáp hại cà phê. |
Để trừ rệp sáp hại rễ, bà con có thể sử dụng Oncol 20EC: Pha 50 ml/10 lít nước, tưới vào vùng rễ 4-8 lít dung dịch thuốc cho một gốc tùy theo cây lớn nhỏ. Nếu đất khô, tưới nước một ngày trước khi tưới thuốc để đất có đủ ẩm độ giúp cho thuốc dễ khuếch tán xuống tới vùng rễ bị rệp sáp gây hại. Hoặc Lorsban 15G: xới quanh gốc sâu 10 cm, rắc thuốc 20-30 g/gốc, sau đó phủ đất và tưới nước cho cây.
Ý kiến bạn đọc