Multimedia Đọc Báo in

Biện pháp kỹ thuật cải tạo bộ rễ cà phê trong thời kỳ kinh doanh

11:06, 11/06/2010
Khoảng 1/3 diện tích cà phê ở nước ta hiện nay đã có tuổi trên dưới 20 năm. Một số diện tích đã già cỗi phải trồng tái canh (trồng mới lại cà phê từ các diện tích cà phê cũ). Một số cần phải đầu tư cải tạo bộ rễ nhằm kéo dài thêm thời gian kinh doanh, tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật cải tạo bộ rễ cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh đối với các diện tích cà phê đã trồng lâu năm (15 năm trở lên).
Vét bồn cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Vét bồn cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản.

Cấu tạo và chức năng của bộ rễ cà phê:
Bộ rễ cà phê gồm có 4 phần chính:
-Rễ cọc: Là phần giữ cho cây khỏi đổ ngã, to khỏe đâm thẳng xuống tầng đất ở dưới sâu, phần cuối của rễ cọc là phần rễ đuôi chuột. Rễ cọc thường dài trên dưới nửa mét.
-Rễ ngang: Được phát triển từ rễ cọc mọc ra bốn hướng có chức năng cùng với rễ cọc giữ cho cây khỏi đổ ngã. Các rễ này tập trung tới trên 90% ở tầng đất canh tác từ mặt đất xuống độ sâu 30 cm.
-Rễ phụ: Các rễ này được phát triển từ rễ ngang. Chức năng của bộ rễ này là mang các rễ tơ (rễ bám, rễ hút).
-Rễ tơ: Rễ tơ là loại rễ có kích thước nhỏ nhất trong hệ thống bộ rễ cà phê. Chức năng của rễ tơ là hút nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây. Hệ thống bộ rễ tơ này chủ yếu nằm ở trên tầng đất mặt canh tác có độ sâu từ 0 đến 20 cm, thậm chí còn vươn lên cả trên mặt đất.
Bộ rễ phát triển tốt, khỏe mạnh sẽ giúp cho cây hút được nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây và là cơ sở phát triển để tạo ra lô trồng có năng suất cao. Nếu bộ rễ kém phát triển sẽ không có khả năng để hấp thụ được đầy đủ các chất dinh dưỡng khi chúng ta bón phân trong quá trình thâm canh vườn cây. Đó là nguyên nhân làm giảm hiệu lực của các loại phân bón, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.
Các biện pháp kỹ thuật để cải tạo bộ rễ cà phê
1-Tạo cho tầng đất canh tác luôn tơi xốp, đất có cấu tượng. Muốn vậy phải bón phân hữu cơ hằng năm hay cách năm. Phân hữu cơ giúp cho bộ rễ phát triển rất thuận lợi. Các dạng phân khác như: sinh hóa hữu cơ, phân vi sinh hữu cơ cũng có tác dụng rất tốt tới việc phát triển của bộ rễ cà phê. Chủ động xử lý hố ngay từ giai đoạn trồng mới để diệt nấm bệnh và tuyến trùng đã có sẵn ở trong đất vì đây là nguồn bệnh sẽ gây hại cho vườn cà phê trong thời kỳ kinh doanh.
2-Trồng xen cây phân xanh đậu đỗ khi đất còn trống, cà phê chưa giao tán để lấy thân lá tủ gốc, ép xanh, tăng chất hữu cơ cho tầng đất mặt đồng thời để bảo vệ cấu tượng của đất khi có lượng mưa lớn hoặc nắng gắt, nhiệt độ cao sẽ thiêu đốt chất hữu cơ (đặc biệt là mùn) ở trên bề mặt đất. Trồng cây che bóng cũng có tác dụng tốt trong việc bảo vệ cấu tượng của đất và tăng thêm độ phì của đất.
3-Khi bón phân hữu cơ hay ép xanh thân cành lá cây đậu đỗ, tàn dư thực vật, cho cà phê nên làm như sau: Chia chu vi tán cây làm 4 phần. Năm đầu đào rãnh một phần tư ở một phía vùng xung quanh giáp với mép tán cây, rãnh có chiều rộng từ 20 đến 30 cm và chiều sâu cũng từ 20 đến 30 cm. Khi bón phân hữu cơ hoặc ép xanh xong thì lấy đất lấp bề mặt của rãnh. Trong mùa mưa rễ sẽ phát triển tới vùng đã bón phân ở trong rãnh để hút chất dinh dưỡng. Đây là biện pháp quan trọng để tăng khả năng kháng hạn cho bộ rễ, đặc biệt là trong mùa khô. Rễ cà phê có điều kiện hướng xuống tầng đất sâu để tránh được sự mất nước và khô hạn ở trên tầng đất mặt. Tủ gốc, che phủ đất là biện pháp rất quan trọng.
4-Bón phân hóa học phải cân đối giữa đạm, lân và kali. Tỷ lệ hợp lý của NPK là: 3:1:3, không bón vào thời gian còn khô hạn sẽ gây cháy rễ tơ cà phê. Để đạt năng suất 3 tấn nhân/ha thì lượng phân bón khoáng cần 300 kg đạm nguyên chất, từ 90-120 kg lân nguyên chất và từ 300-350 kg kali nguyên chất. Bón ít nhất làm 4 lần trong một năm: đầu mùa mưa, trong mùa mưa 2 lần và cuối mùa mưa 1 lần. Trong mùa khô, khi tưới nước ở lần thứ nhất hay thứ hai thì nên dùng phân bón nước (ví dụ Komix Super) sẽ có hiệu quả và tác dụng nhanh.
5-Vào cuối mùa khô có thể dùng cày rạch hàng hoặc bừa đĩa để cày một đường kề sát với mép tán lá với độ sâu từ 10 đến 15 cm. Biện pháp này sẽ làm đứt xén một số rễ đã già cỗi ở ngoài cùng. Vào đầu mùa mưa, khi vườn cây được bón phân thì rễ mới được phát triển để thay thế cho lượng rễ cũ đã bị cắt xén và chúng có khả năng hút các chất dinh dưỡng tốt hơn. Khi làm bồn để tưới nước cũng là dịp để hủy bớt một lớp rễ tơ cũ ở trên bề mặt đất nhằm tạo ra lớp rễ tơ mới khỏe cho năm sau.
6-Trong đất trồng cà phê lâu năm thường có nhiều loại sinh vật có hại dễ gây ra các bệnh làm thối rễ như các loại nấm, tuyến trùng làm cho cây cằn cỗi, vàng héo, rụng quả, năng suất thấp, nếu bị nặng thì chết cả cây.
Nếu vườn cây thiếu thâm canh, bón phân mất cân đối, dùng phân hóa học với liều lượng cao và bón liên tục trong nhiều năm, thiếu bón phân hữu cơ thì bộ rễ cà phê rất dễ bị bệnh do tính chất lý hóa tính của đất bị biến đổi có lợi cho sự phát triển và gây hại của các sâu bệnh đã có sẵn ở trong đất. Bón phân hữu cơ là tạo môi trường tốt để các sinh vật có ích tồn tại và phát triển nhằm đối kháng lại những vi sinh vật có hại ở trong đất. Đây là biện pháp đấu tranh sinh học có ý nghĩa đồng thời làm cho đất tơi xốp, giữ ẩm tốt tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển thuận lợi.
7-Nhiều loại nấm gây hại thông qua con đường từ các vết thương ở trên rễ. Do vậy, việc cày bừa, xới xáo, bón phân tránh làm đứt rễ cà phê trong mùa mưa. Vì trong mùa mưa các vết thương do con người gây ra trên bộ rễ cà phê kéo dài, thời gian lâu lành của các vết thương này đã tạo điều kiện cho các nấm bệnh xâm nhập vào phá hủy bộ rễ, việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ bệnh rễ của cà phê thường ít có hiệu quả cao và gây ô nhiễm cho môi trường.
8-Bón phân hóa học, phân sinh hóa hữu cơ, vi sinh trong mùa mưa nên rải lên trên bề mặt dưới vùng tán lá cho đến mép tán cũng hạn chế được việc làm hủy hoại bộ rễ do không tạo ra vết thương ở rễ, vì thế hạn chế được sự xâm nhiễm của nấm bệnh gây hại.
Tóm lại, để bảo vệ và cải tạo tốt bộ rễ cà phê trong thời kỳ kinh doanh, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp đã nêu ở trên, đặc biệt là vai trò của phân bón hữu cơ và kỹ thuật canh tác đúng.
PGS. TS Phan Quốc Sủng
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cà phê Việt Nam)

Ý kiến bạn đọc