Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu trên mảnh đất khô cằn, úng ngập

09:46, 13/05/2011

Ông Nguyễn Văn Duy, ở thôn 1, xã Cư Króa (M’Drak) đứng giữa rừng keo, bạch đàn đã gần 10 năm tuổi nhớ lại:  Hơn 30ha đất này trước đây chỉ là đồi cỏ tranh, lau sậy. Khi Nhà nước xây dựng đập hồ chứa nước thôn 1, xã Cư Kroá để phát triển nông nghiệp vùng hạ lưu, người dân trong vùng đều di chuyển về nơi ở mới, chỉ mỗi gia đình ông Duy kiên quyết bám trụ, quyết tâm làm kinh tế giữa vùng đất khắc nghiệt. Trải qua những tháng năm vật lộn với bệnh sốt rét, những vất vả do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thông tin và thiếu vốn nhưng bằng sức mạnh của đôi bàn tay, của niềm tin vượt khó và sự quyết tâm trong lao động sản xuất, ông Duy đã quy hoạch cụ thể cho diện tích đất của mình: nơi ngập úng thì làm ao nuôi cá, nơi sình lầy thì trồng lúa, nhổ cỏ tranh để vừa trồng hoa màu vừa trồng cây keo, kết hợp giữa chăn nuôi heo gà và cây ăn trái… 

Anh Biên đang cho cá ăn.
Anh Biên đang cho cá ăn.
Cứ như thế, đến nay, ông đã có một mô hình trang trại vừa trồng rừng, vừa làm ruộng, ao nuôi cá và chăn nuôi heo gà, mỗi năm mang lại cho gia đình ông nguồn thu  300 triệu đồng. Năm sau 10ha rừng keo và bạch đàn của ông cũng đã được khai thác. Có tiền, ông Duy lại đầu tư làm đường giao thông dẫn từ đường liên xã vào tận trang trại, rồi tự kéo điện vào nhà. Vùng đất toàn cỏ tranh và lau  sậy ngày nào nay đang đem lại sự giàu có cho chủ nhân của nó.

Ngày nay, nhìn khu trang trại của gia đình anh Đinh Văn Biên ở thôn 6, xã Cư Króa có quy mô hơn 28 ha, được trồng 10 loại cây trồng khác nhau, ít ai biết rằng khi mới lập gia đình, anh Biên chỉ có hơn 500m2 đất trồng cây lương thực. Đôi vợ chồng nghèo, vừa nuôi con nhỏ lại sống trên vùng đất đồi cỏ tranh khô cằn nên cuộc sống rất vất vả. Nhưng với sự chịu khó và quyết tâm làm giàu, vợ chồng anh Biên đã ngăn dòng suối nhỏ rồi đào ao thả cá, lấy nước tưới tiêu cho cây trồng. Anh chị vừa làm vừa khắc phục khó khăn, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tiết kiệm chi tiêu để mở rộng đất đai và trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trang trại của gia đình anh Biên đã mở rộng 28 ha với 10 loại cây trồng khác nhau, trong đó mía là cây chủ lực chiếm hơn 8 ha,  ngoài ra còn có rừng Bạch đàn và nhiều loại cây có giá trị kinh tế như: gió trầm, mít Nghệ, cam sành...; cùng với 1.000m2 ao cá có sản lượng từ 4 đến 5 tấn cá thương phẩm mỗi năm. Không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh Biên,  trang trại đã tạo việc làm ổn định cho từ 15 đến 20 lao động nghèo từ nơi khác đến.

Chính sự chịu khó học hỏi và nghị lực lao động của những nông dân như ông Duy, anh Biên mà những vùng đồi cỏ tranh đất trũng của xã Cư Króa đã trở thành những trang trại kinh tế phát triển bền vững, là “điểm sáng” trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương còn đầy khó khăn này.

 

Xuân Hòa

 


Ý kiến bạn đọc