Multimedia Đọc Báo in

Mô hình nuôi dê Bách Thảo - hướng đi mới của nông dân thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar)

08:54, 11/05/2011

Trong những năm gần đây, nghề chăn nuôi dê đã phát triển mạnh ở thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) trở thành nghề mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Trong đó, mô hình nuôi dê của gia đình ông Mạc Sỹ Cường là một ví dụ.

Cách đây hơn 2 năm, ông Mạc Sỹ Cường, trú ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú bắt đầu làm quen với nghề nuôi dê và nhận thấy mô hình này rất phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Ông đã mạnh dạn đầu tư gần 60 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 40 con dê cái, 1 con dê đực (giống Bách Thảo) về nuôi thử. Ông Cường cho biết: Nuôi dê không đòi hỏi nhiều công sức, thức ăn cho dê rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, lá cây và còn có thể tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp,... Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh tốt nên đàn dê của ông Cường  sinh trưởng và phát triển khá tốt, trung bình một năm dê nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân từ 2-3 con. Với khoảng 40 dê đang vào độ tuổi sinh sản, mỗi năm gia đình ông Cường thu về khoảng 120 con dê con. Nếu tính giá 1 con dê có trọng lượng 20 kg, hiện nay với giá bán bình quân đạt từ 55 – 60 nghìn đồng/kg thì 120 con dê sau khi bán ông Cường thu về gần 100 triệu đồng, trừ chi phí đi ông vẫn lãi từ 70-80 triệu đồng. Đối với một người làm nông thì đây là một nguồn thu nhập rất đáng kể.

Theo ông Cường, mô hình nuôi dê này ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rất lớn; ngoài ra, phân của dê còn được tận dụng để bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình trên sẽ giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan.
Hiện nay, ở thị trấn Quảng Phú, không chỉ riêng gia đình ông Mạc Sỹ Cường, nhiều gia đình khác cũng đang phát triển mô hình này và đã đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

Trung Dũng

 


Ý kiến bạn đọc