Tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ phân vi sinh từ vỏ cà phê
Gia đình anh Võ Hồng Nhơn, ở TDP1, phường Đoàn Kết (TX. Buôn Hồ) có hơn 3 ha cà phê. Chi phí cho việc đầu tư chăm sóc 3 ha cà phê rất lớn, nhất là lượng phân bón.
Trước đây, giá phân bón hóa học chưa tăng cao, sau khi thu hoạch trừ chi phí thu nhập bình quân mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 250 triệu đồng; nhưng gần đây, giá các loại phân bón liên tục tăng, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn vì nếu đầu tư đầy đủ, đúng lượng, đúng vụ thì số tiền chi phí cho việc mua phân bón là rất lớn, đó là chưa kể chi phí cho việc tưới tiêu, thuê nhân công, thu nhập còn lại sẽ không đủ để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Để giải quyết “bài toán khó” này, anh Nhơn đã tìm hiểu thông tin trên báo, đài về kỹ thuật chăm sóc cà phê, kỹ thuật canh tác giảm chi phí lao động…Trong một lần dự tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê do Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ tổ chức, anh Nhơn đã biết được phương pháp tận dụng vỏ cà phê ủ làm phân vi sinh. Nhận thấy phương pháp này khá đơn giản, rẻ tiền, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí mua phân bón hóa học và không ô nhiễm môi trường về nhà anh quyết định áp dụng ngay. Anh Nhơn đã tận dụng lượng vỏ cà phê, phân chuồng sẵn có của gia đình, chỉ mua thêm phân urê và chế phẩm men vi sinh và trộn đều tất cả theo công thức đã học được, sau đó tưới nước và vun thành luống cao khoảng 1,3 – 1,5m, bề rộng luống từ 2,3 – 3m; dùng bạt phủ lên đống ủ. Sau thời gian 25 – 30 ngày, anh tiến hành đảo trộn đống ủ và tưới nước bổ sung. Sau gần 4 tháng, anh mở kiểm tra lần cuối và nhận thấy nguyên liệu mềm, nát nên anh đã sử dụng để bón cho diện tích cà phê nhà mình. Kết quả cho thấy sau một thời gian vườn cà phê gia đình anh cải thiện một cách đáng kể, ít sâu bệnh, cây tươi tốt hơn, đất trở nên tơi xốp, phì nhiêu... Anh Nhơn dự kiến sẽ ủ thêm nhiều phân vi sinh hơn để bón trong các vụ mùa tiếp theo. Đây thực sự là một giải pháp tiết kiệm hiệu quả chi phí phân bón cho bà con nông dân cần được nhân rộng.
Ý kiến bạn đọc