Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu của một Cựu chiến binh

07:50, 26/08/2011

Sau khi rời quân ngũ, năm 1990, anh Lê Phạm Mạnh đưa gia đình từ quê hương Nghệ An vào lập nghiệp tại xã Ea Riêng (huyện M’Drak). Những ngày đầu mới vào, gia đình anh đã phải trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là bệnh sốt rét hoành hành. Nhiều gia đình đã bỏ về nhưng anh vẫn kiên quyết bám trụ, quyết tâm làm kinh tế giữa vùng đất khắc nghiệt của huyện M’Drak.

Đàn bò gần 100 con của gia đình anh Mạnh nuôi bán công nghiệp phát triển tốt.
Đàn bò gần 100 con của gia đình anh Mạnh nuôi bán công nghiệp phát triển tốt.
Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng và học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế trang trại của nhiều người qua sách báo, anh Mạnh đã quy hoạch cụ thể cho diện tích đất của mình: nơi ngập úng thì đào ao nuôi cá, nơi đồi cao trồng cà phê, trồng rừng, kết hợp chăn nuôi heo, bò, gà… Đó là những năm tháng lao động vô cùng vất vả, vợ chồng anh vừa làm vừa khắc phục khó khăn, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tiết kiệm chi tiêu để mở rộng đất đai và đầu tư trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Cứ như thế, đến nay anh đã có một trang trại quy mô với tổng diện tích hơn 100 ha trồng nhiều loại cây khác nhau; trong đó có 2,5 ha cà phê, 1.000 m2 ao cá, ngoài ra còn trồng rừng với các loại cây có giá trị kinh tế như keo, sao, gió trầm, mít nghệ…, chăn nuôi gần 100 con bò… Mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, gia đình anh còn thu lãi từ 200 – 450 triệu đồng. Anh còn tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng.

Nhờ mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, có điều kiện nuôi 4 người con ăn học. Anh còn bỏ tiền đầu tư làm đường giao thông dẫn từ đường liên xã vào tận trang trại; hỗ trợ mỗi năm từ 10-20 triệu đồng cho bà con nghèo trong thôn. Nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu của Cựu chiến binh Lê Phạm Mạnh thật đáng được biểu dương.

Nguyễn Xuân Thành

Ý kiến bạn đọc