Triệu phú xoài vùng biên
Trong khi nhiều người trồng xoài ở huyện Ea Súp gian nan lo tìm đầu ra cho quả xoài mỗi khi đến kỳ thu hoạch, thậm chí phải để xoài rụng thối đầy gốc; vậy nhưng chính nơi đây có một người lại chọn xoài làm cây thoát nghèo và đã thành công cả về quy mô lẫn hiệu quả kinh tế.
Trang trại xoài của anh Phạm Quốc Việt, 42 tuổi ở thôn 9, xã Ea Bung giờ đây cả xã biết tiếng, cả huyện biết tên; trở thành mô hình kinh tế được hội nông dân huyện chọn làm điểm tham quan học tập thường xuyên cho hội viên. Nhiều người khi đến thăm trang trại, được anh kể hành trình lập nghiệp trên đất Ea Bung và căn nguyên anh chọn xoài là cây làm giàu đều cho rằng anh đã tìm ra một hướng đi lạ và thành công nhờ dám… liều.
Cuộc đời của ông chủ trang trại xoài lớn nhất vùng biên này cùng lắm éo le. Sinh ra ở huyện Vũ Thư, Thái Bình, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1985, anh phải bôn ba làm thuê làm mướn khắp Bắc - Nam. Và năm 1992 lên Dak Lak, vào Ea Súp làm thuê cho một số người quen. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, để có tiền anh đã phải vào rừng đào măng bán, đi cưa gỗ thuê. Tích cóp được ít tiền nào là anh đầu tư mua đất, bởi anh nghĩ không có đất sản xuất thì chẳng làm được gì Dần dà, anh mua được mấy sào lúa nước và mấy ha rẫy; trên đất rẫy anh đầu tư trồng tiêu, cà phê, điều, nhưng đều không mang lại hiệu quả, nợ nần chồng chất. Sau nhiều lần thất bại, anh nhận ra đất Ea Súp không phù hợp cho trồng cây công nghiệp như cà phê, tiêu, mà chỉ có cây xoài tỏ ra thích nghi, anh bắt đầu manh nha ý định trồng xoài. Nhưng một nghịch lý khiến anh phải đắn đo bởi đã có rất nhiều người trồng xoài, đến kỳ thu hoạch lại không có thương lái mua, phải để rụng thối đầy gốc. Đi sâu tìm hiểu, anh nghiệm ra: giống xoài mà người dân nơi đây vẫn quen trồng là xoài min, xoài Nha Trang, đặc điểm quả nhỏ, ngọt, thơm nhưng vỏ mỏng, mềm mau chín nên không thể vận chuyển xa được, thị trường cũng không ưa chuộng.
Anh Việt thu hoạch xoài, đóng thùng chờ thương lái vào lấy. |
Nhớ lại thời gian đi làm thuê ở Đồng Nai có rất nhiều người trồng xoài và đã trở nên giàu có nên anh lại khăn gói xuống đây học cách trồng xoài, làm trang trại. Năm 2003, anh quyết định mang về Ea Súp hai giống xoài: Ba Mùa và Cát Hòa Lộc, trồng trên diện tích 4 ha đất rẫy. Thật không ngờ, cây xoài tỏ ra rất hạp đất, phát triển nhanh, sau 3 năm đã cho thu bói, từ năm thứ tư trở đi cho thu chính; trung bình một cây xoài có thể cho thu 2 triệu đồng/vụ. Trên mỗi héc ta anh trồng 170 gốc. Anh Việt chia sẻ: sở dĩ anh chọn giống xoài Cát Hòa Lộc và Ba Mùa bởi chúng đã có thương hiệu, được ưa chuộng trên thị trường, mặt khác 2 giống xoài này quả to nhưng hạt lép, thịt lại dày, dai rất thơm ngon; và quan trọng hơn là có thể vận chuyển đi xa để tiêu thụ. Thời gian đầu, xoài thu hoạch chỉ bán cho những mối buôn nhỏ lẻ trong huyện, sau đó các đầu mối ở phố biết tiếng bắt đầu đánh xe vào thu mua, đầu ra cho trang trại xoài của anh vì thế dần rộng mở. Đến bây giờ đã có rất nhiều thương lái ở các tỉnh phía Bắc, ở Đà Nẵng … cũng vào đặt mối lấy hàng, cung cấp cả bao bì, thùng các tông, sọt, băng keo để anh đóng gói, vận chuyển. Mùa thu hoạch cao điểm, một ngày trang trại xoài của anh bán ra thị trường từ 4 đến 6 tấn quả, thu về khoảng 15 triệu đồng/ngày.
Không chỉ thành công với việc trồng xoài trên vùng đất khắc nghiệt Ea Súp, anh Việt còn nghiên cứu và “bắt” cây xoài ra quả theo ý mình. Ngoài xoài chính vụ (bắt đầu ra hoa và cho từ tháng 2 đến tháng 4) anh đã biết cách thúc xoài ra quả trái vụ (từ tháng 8 đến tháng 10). Với xoài chính vụ, giá bán thường từ 8.000 – 10.000 đồng/kg đối với xoài Cát Hòa Lộc, 5.000 đồng/kg đối với xoài Ba Mùa. Nhưng đến vụ xoài trái vụ, xoài bán rất được giá, khoảng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Hiện nay, trang trại xoài của anh Việt gần như độc quyền nguồn cung, đơn đặt hàng rất nhiều nhưng anh không có đủ xoài để bán. Anh làm một phép tính: một năm 2 vụ xoài, anh thu hoạch khoảng 70 tấn, trừ tất cả chi phí anh còn lãi chừng 700 triệu đồng/năm. Với hiệu quả do cây xoài mang lại, ngoài 4 ha xoài đã cho thu hoạch, hiện anh Việt tiếp tục đầu tư trồng thêm 6 ha xoài nữa, nâng tổng diện tích trang trại xoài lên 10 ha và trở thành trang trại xoài lớn nhất ở của huyện biên giới này. Trang trại của anh Việt ngoài tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 7 lao động, vào mùa thu hoạch, trang trại còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc